![]() NGƯỜI PHỎNG VẤN: Một bản nhạc rock nói rằng con người chẳng qua là một loài động vật mà thôi.
GIÁO SƯ: Nhưng Shakespeare nói con người giống như một thiên sứ hay một vị thần.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Vậy ai đúng?
GIÁO SƯ: Chúng ta hãy cùng thảo luận về vấn đề này.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Suốt nhiều tuần qua chúng ta đã thảo luận về việc liệu các nhà khoa học có thể chứng minh rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên con người hay không, hay con người đã được tạo thành bởi các tiến trình tự nhiên.
Và cho đến giờ chúng ta đã kết luận rằng sinh học và nhân loại học không thể đưa ra câu trả lời dứt khoát.
GIÁO SƯ: Đúng vậy. Làm sao một người có thể nắm rõ được cốt truyện của một cuốn tiểu thuyết 1000 trang, nếu chỉ có trong tay 13 trang không theo thứ tự?
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Vậy làm sao chúng ta có thể biết được liệu Đức Chúa Trời có phải là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta hay không? Chúng ta tung đồng xu chăng?
GIÁO SƯ: Không. Cơ đốc giáo có thuận lợi là “các thông tin nội bộ” – các thông tin về Đấng tạo hóa là ai, được chính Đức Chúa Trời ban cho.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Vâng, nhưng vị thính giả của chúng ta, anh Vladimir nói rằng bạn của anh ấy không thừa nhận Kinh Thánh. Vậy chúng ta phải nói sao với anh ấy?
GIÁO SƯ: Chúng ta có thể phân tích xem thuyết vô thần và thuyết hữu thần dẫn đến đâu. Một quan điểm nâng con người lên thành tạo vật mang ‘ảnh tượng của Đức Chúa Trời.” (Sáng Thế Ký 1:27). Một quan điểm khác hạ chúng ta xuống chỉ còn là một loài động vật.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Thật thú vị khi nghe giáo sư nói vậy. Tôi vừa nghe một bản nhạc rock hát rằng:
“Em và anh, em yêu, chẳng qua là những động vật hữu nhũ,
Nên chúng ta hãy hành động giống như những loài vật trên kênh Discovery Channel.”
GIÁO SƯ: Tôi thường ít nghe nhạc rock lắm. Anh cho rằng bản nhạc đó đưa ra một ý kiến triết học phải không?
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Đúng vậy. Tôi đề cập đến bản nhạc này bởi vì tôi nghĩ nó có liên quan đến câu hỏi mà chúng ta đã thảo luận trong suốt nhiều tuần qua. Có phải con người “chẳng qua là một loài động vật hữu nhũ?”
GIÁO SƯ: Không. Nhiều vị giáo sư đã trình bày một loạt các bài diễn thuyết tại Đại học Wisconsin, và những bài này sau đó được xuất bản thành một cuốn sách mang tựa đề Christianity Challenges the University, nghĩa là Cơ đốc giáo Thách thức Trường đại học.Tiến sĩ Wayne M. Becker [BEK-er] là một giáo sư sinh học, và ông đặt tựa cho chương của mình là: “Con người: Chỉ là một loài khỉ không đuôi trần trụi?”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Đó là một cách nói thú vị - gọi con người là một loài “khỉ không đuôi trần trụi.” Đó chẳng phải là tựa đề của một cuốn sách bán rất chạy cách đây vài năm sao?
GIÁO SƯ: Đúng vậy, nó được viết bởi nhà động vật học Desmond Morris [DES-mund MOR-is]. Trong phần giới thiệu của cuốn sách, giáo sư Morris nói: “Tôi là một nhà động vật học và khỉ không đuôi là một loài động vật. …Dù đã trở nên rất thông minh, người hiện đạivẫn còn lưu giữ lại những đặc điểm của khỉ không đuôi; dù có những động cơ cao quý hơn, nhưng vẫn không đánh mất những đặc điểm cổ xưa. Điều này vẫn thường làm con người lúng túng, vì những đặc điểm cổ đã tồn tại suốt hàng triệu năm, trong khi những đặc điểm mới chỉ vài nghìn năm…- không thể nào loại bỏ các di sản di truyền được tích lũy suốt quá trình tiến hóa này được. Con người sẽ ít lo lắng và làm một loài vật có ý nghĩa hơn nếu chấp nhận sự thật này. Có lẽ đây là những gì các nhà động vật học có thể giúp được.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Vậy là giáo sư Morris nói con người chỉ là một loài động vật, cho nên chúng ta đừng bối rối khi con người đôi lúc cũng hành động như loài vật.
GIÁO SƯ: Vâng, nhưng tiến sĩ Becker không đồng ý như vậy. Ông nói: “…Những hiểu biết của chúng ta về sinh lý học và các thực hành y khoa…dựa trên…các điểm tương đồng sinh học giữa con người và các loài động vật khác… Tôi thật mừng là mã gen mang tính phổ quát, nhờ đó những gì chúng ta nghiên cứu được về vi khuẩn thường cũng có liên quan đến con người. Tôi mừng vì insulin của ngựa giúp trị bệnh tiểu đường ở người. …Mối liên quan của chúng ta với thế giới động vật…khiến các nghiên cứu y sinh học trên chuột, chuột lang và khỉ trở nên thực tế với sức khỏe và phúc lợi của con người.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Như vậy ông ấy nhất trí rằng con người cũng là một loài động vật. Còn ông ấy không nhất trí ở điểm nào?
GIÁO SƯ: Theo lời ông ấy là: “Vấn đề này đi kèm với một triết lý trần tục không thỏa mãn khi chỉ đơn thuần mô tả con người là một loài khỉ không đuôi trần trụi, mà nhấn mạnh thêm rằng, chẳng qua là…
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Chẳng qua là một loài khỉ không đuôi?
GIÁO SƯ: Tiến sĩ Becker lý giải: “Vấn đề xảy ra khi khoa học không được dùng để mô tả và định nghĩa con người, nhưng để…giới hạn con người – khi nói rằng đến lúc các mô tả khoa học hoàn chỉnh, thì con người sẽ được định nghĩa đầy đủ và giải thích đầy đủ.”
Ông tiếp: “…Đây chỉ là triệu chứng…của một thế giới quan trần tục, đặt lòng tin quá mức vào khả năng của con người tự hiểu và mô tả chính mình cùng một cách…với việc hiểu và mô tả các hiện tượng tự nhiên. Khuynh hướng giáo điều trần tục nhấn mạnh rằng con người là một phần của thế giới tự nhiên… Điều này dựa trên tiền giả định rằng chỉ có thực tế…mới có thể được giải thích và mô tả theo thuật ngữ khoa học, và rằng bất kỳ kết luận nào đi ngược lại đều là…sai.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Tại sao ông ấy lại phản đối quan điểm này?
GIÁO SƯ: Bởi vì nó loại bỏ ý niệm về Đức Chúa Trời. Nó kết luận rằng, khi tất cả các quan sát và đo lường hoàn tất, hiểu biết của chúng ta về con người sẽ hoàn chỉnh. Không có giá trị hay mục đích nào tiếp theo đó cả.
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Nói cách khác, tiến sĩ Becker nói rằng khi gọi con người là một loài khỉ không đuôi trần trụi, chúng ta đã loại bỏ đi quan điểm cho rằng cuộc sống có giá trị hoặc mục đích.
GIÁO SƯ: Ông minh họa cho quan điểm của mình bằng cách trích dẫn một nhà khoa học vô thần đã đoạt giải Nobel.
Nhà sinh học phân tử người Pháp, tiến sĩ Jacques Monod [ZHAK moh-NOH] có viết một cuốn sách có tựa đề Chance and Necessity, nghĩa là Ngẫu nhiên và Nhất thiết. Tiến sĩ Becker giải thích: “ ‘Ngẫu nhiên’ trong tựa đề này có ý chỉ về các đột biến ngẫu nhiên, không thể đoán trước được; còn ‘nhất thiết’ có ý chỉ về sự chọn lọc tự nhiên theo thuyết Darwin…
“Tranh luận của ông ấy…rất công phu và dựa trên các dữ liệu và phán đoán liên quan đến các cấu trúc phân tử và tế bào. Tuy nhiên, sự công kích đầu tiên trong cuốn sách này lại không phải về khoa học mà là về triết học. Hầu hết những điều ông ấy nói không dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học cho bằng dựa trên các tiền giả định triết học.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Chẳng hạn như?
GIÁO SƯ: Tiến sĩ Monod viết: “Chỉ có ngẫu nhiên nằm ở cội nguồn của mọi sáng tạo, mọi biến đổi trong sinh quyển. Ngẫu nhiên đơn thuần, hoàn toàn tự do nhưng mù quáng, …là giả thuyết duy nhất mà ngày nay con người có thể tin vào.”
Sau đó, Monod thêm vào triết lý của mình: “…Cuối cùng con người cũng sẽ phải tỉnh dậy khỏi giấc mơ của mình để đối diện với sự cô độc vốn có. …Giống như một người du mục sống trên ranh giới của một thế giới xa lạ - một thế giới không thèm lắng nghe âm nhạc của anh ta, cũng như không quan tâm gì đến những hy vọng, đau khổ và những tội lỗi của anh ta.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Nói cách khác, nếu vũ trụ không có Đấng tạo hóa, thì cũng như không có tai, không có tấm lòng – và không có ai kiểm soát.
GIÁO SƯ: Đúng như vậy, NẾUvũ trụ không có Đấng tạo hóa, không có Đức Chúa Trời. Tiến sĩ Becker diễn giải tư tưởng của Monod là: “Vậy thì không có quá khứ thực; tất nhiên là không có phương hướng nào và rõ ràng là cũng không có mục đích nào. Chỉ là ngẫu nhiên: thuần túy, mù quáng, tình cờ…
“…Vậy tương lai sẽ như thế nào? …Dây cót năng lượng của vũ trụ hết dần mà không gì có thể ngăn cản được, và cuối cùng mọi thứ sẽ bị tàn diệt… Theo một cách nào đó, tôi cho rằng dù gì thì cũng có sự công bằng nhất định trong đó – chúng ta đến từ ngẫu nhiên, rồi chúng ta sẽ trở về với ngẫu nhiên.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Nếu chúng ta đến từ trống không, thì rồi chúng ta sẽtrở về với trống không.
GIÁO SƯ: Nếu triết lý này là đúng, thì hành trình từ trống không đến trống không của chúng ta - sẽ chẳng cùng đi với ai cả!
Monod kết luận cho ảo tưởng về một vũ trụ không có Đức Chúa Trời của mình như sau: “Cuối cùng con người cũng nhận ra rằng mình cô độc giữa vũ trụ bao la vô cảm, nơi mình đã được tạo nên cách tình cờ. Không biết đích đến hay trách nhiệm của mình là gì. Vương quốc bên trên hay sự tối tăm bên dưới; con người phải lựa chọn.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Giáo sư nói nhà biên kịch vĩ đại Shakespeare có một quan điểm khác. Vậy ông ấy đã viết gì?
GIÁO SƯ: Trong vở Hamlet, Shakespeare viết:
“Con người là một kiệt tác lạ lùng!
Thật cao quý trong lập luận! thật vô hạn trong học thức!
Trong vóc dáng, trong cách di chuyển, thật nhanh nhẹn và đáng ngưỡng mộ! Trong hành động thật giống thiên thần! trong sự lĩnh hội như một vị thần! Vẻ đẹp của thế gian! Tuyệt phẩm trong số các loài động vật!”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Tôi phải thừa nhận quan điểm cho rằng con người là “kiệt tác” được làm nên “theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời” khiến con người cao quý và có giá trị hơn. Nhưng chẳng phải quan điểm vô thần là khoa học, còn quan điểm Kinh Thánh dựa trên đức tin sao?
GIÁO SƯ: Không phải như vậy. Giáo sư Becker trả lời: “Cả hai đều đòi hỏi đức tin.”
Ông nói thêm: “Vậy là ngày nay chúng ta cũng có hai bàn thờ, như trong thời Cựu Ước trên núi Cạc-mên. Tiếng của nhà tiên tri vẫn còn vang vọng: ‘Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào?’
“Bàn thờ bên trái có ghi ‘thế giới quan thế tục.’ Còn bàn thờ bên phải có ghi ‘quan điểm thay thế của Cơ đốc giáo.’ Bàn thờ thế tục chỉ nhận biết những gì có thể được quan sát và đo lường trong phòng thí nghiệm. Bàn thờ Cơ đốc nhận biết những giá trị và mục đích vượt cao hơn. Một bên xem con người chỉ là loài khỉ không đuôi trần trụi; còn bên kia nhìn nhận con người theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời.”
“Một bên kêu gọi chúng ta tin rằng không có gì vượt hơn vũ trụ vật lý và thế giới tự nhiên. Bên kia kêu gọi chúng ta thừa nhận rằng vượt trên vũ trụ vật lý và thế giới tự nhiên là Đức Chúa Trời.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Vậy là cả hai đều đòi hỏi phải có niềm tin.
GIÁO SƯ: Đúng vậy. Giáo sư Becker kết luận: “Hãy lắng nghe một lần nữa hai câu kinh, và chọn bàn thờ cho mình cách cẩn thận – vì quý vị sẽ trở nên người như thế nào phụ thuộc vào bàn thờ quý vị lựa chọn để thờ phượng.”
NGƯỜI PHỎNG VẤN: Từ bàn thờ bên trái, có lời của Jacques Monod: ‘Chỉ có ngẫu nhiên, hoàn toàn tự do nhưng mù quáng … Con người biết đến cuối cùng mình sẽ cô độc giữa vũ trụ mênh mông quạnh quẽ.’”
GIÁO SƯ: “Và từ bàn thờ bên phải, tiên tri Ê-sai nói rằng (42:5-6):
Giê-hô-va Đức Chúa Trời,
Là Đấng đã dựng nên các từng trời và giương ra,
Đã trải đất với mọi sự ra bởi nó,
Đã ban hơi sống cho dân ở trên nó,
Và thần linh cho mọi loài đi trên nó,
Có phán như vầy:
‘Ta, Đức Giê-hô-va, đã kêu gọi ngươi trong sự công bình;
Ta sẽ nắm tay ngươi và giữ lấy ngươi.’
Những câu kinh ở đó, hai bàn thờ cũng ở đó. Sự chọn lựa dành cho quý vị là rất rõ ràng.
|
0 nhận xét:
Cảm ơn bạn đã nhận xét. Nguyện Chúa ban phước cho bạn.