Tro Thanh Nguon Phuoc
Trở Thành Nguồn Phước. Lời Kinh Thánh: Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước. (Sáng thế ký 12:1-3)

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

TÔI KHÔNG ĐỦ ĐỨC TIN ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI VÔ THẦN - 2

Posted at  4/18/2013 12:19:00 SA  |  in  Khoa Học và Niềm Tin

Kết quả hình ảnh cho MỘT NGƯỜI VÔ THẦN

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Thưa giáo sư, trong chương trình lần trước tôi đã học được một điều mà trước giờ tôi chưa hề nhận ra. Những người tin vào Chúa Trời không phải là những người duy nhất có đức tin. Những người vô thần cũng có đức tin rất lớn.

GIÁO SƯ.:   Đúng vậy. Thật ra, một cách chính xác hơn để mô tả một “người vô thần”, là “một người tin vào thuyết vô thần.”

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Thưa giáo sư, lúc nãy ông nói “Một cách chính xác hơn để mô tả một ‘người vô thần’ là ‘một người tin vào thuyết vô thần’”? Theo giáo sư thì có vẻ như thuyết vô thần là một giáo điều hay một tín ngưỡng nào đó.

GIÁO SƯ.:   Đúng như vậy. Thuyết vô thần là một thế giới quan – một cách nhìn vào thế giới thông qua một lăng kính. 

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Lăng kính như thế nào vậy thưa giáo sư?

GIÁO SƯ.:   Thuyết vô thần giống như cặp kính mà một người dùng để đọc. Lăng kính này tập trung vào một trang giấy in hoặc một màn hình máy vi tính cách đó một vài mươi xen-ti-mét. Nếu một người đeo loại kính đó nhìn ra ngoài cửa sổ, người đó sẽ không nhìn cây cối được rõ. Nếu cố nhìn những ngôi sao và dải ngân hà, người đó chỉ nhìn thấy một bóng mờ lớn.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Có phải giáo sư ngụ ý rằng thuyết vô thần chỉ thấy được một phần của hiện thực?

GIÁO SƯ.:   Đúng vậy. Một người vô thần chỉ nhìn thấy một phần sự thật. Nhưng người đó thường nói rất tự tin rằng điều nhỏ bé mà anh ta thấy đó là tất cả.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Nói cách khác, nếu người đó không nhìn thấy một điều gì, thì anh ta sẽ kết luận là điều đó không tồn tại phải không? 


GIÁO SƯ.:   Đúng vậy. Nói theo một cách khác, thuyết vô thần giống như nhìn vào thế giới qua một bức màn. Khi một người nhìn thế giới qua lăng kính vô thần, người đó không thấy gì ngoài những thứ theo chiều ngang tức là chỉ nhìn thấy thế giới hữu hình – những điều thuộc cấp độ con người hoặc cấp độ loài vật.
Lăng kính vô thần không thể hiện được những hình ảnh theo chiều dọc – là phần của hiện thực bao gồm Đức Chúa Trời.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Nhưng nhiều nhà khoa học nói rằng thế giới vật chất là thế giới duy nhất tồn tại. Chẳng hạn như, nhà thiên văn học người Mỹ Carl Sagan có nói rằng: “Vũ trụ là tất cả những gì đang, đã, và sẽ có."

GIÁO SƯ.:   Vâng, tiến sĩ Sagan đã nói như vậy. Nhưng ông ấy có bằng chứng gì cho phát ngôn đó không?

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      À, tôi đoán là ông ấy không thấy gì khác ngoài vũ trụ hữu hình.

GIÁO SƯ.:   Nhưng tất cả chúng ta đều tin vào những điều mình không thể nhìn thấy bằng đôi mắt trần. Chúng ta không nghi ngờ trọng lực, và chúng ta tin vào tình yêu.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Nhưng chúng ta thấy được hệ quả của trọng lực – nó kéo mọi thứ đi xuống. Và chúng ta thấy kết quả của tình yêu – giúp con người sống cho một mục đích cao hơn chính mình.

GIÁO SƯ.:   Cơ đốc nhân chúng tôi lý luận rằng chúng tôi nhìn thấy những hệ quả của một Đức Chúa Trời thực hữu. Chúng tôi nhìn thấy những cấu trúc phức tạp đến kinh ngạc trong tự nhiên, và chúng tôi lý luận rằng cách hợp lý nhất để lý giải một thiết kế thông thái, là một Nhà Thiết Kế thông thái. Một người bạn của tôi thường nói: “Thiên nhiên là một hệ quả, mà nguyên nhân là Đức Chúa Trời.”

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Nếu Chúa Trời là hợp lý, vậy tại sao không phải ai cũng tin vào Ngài?

GIÁO SƯ.:   Trong cuốn sách của mình, Tôi Không Đủ Đức Tin Để Làm Một Người Vô Thần, (I Don’t Have Enough Faith to Be an Atheist) tiến sĩ Norman Geisler trả lời rằng: “Đức Chúa Trời đã cung cấp đủ bằng chứng...để thuyết phục bất cứ ai sẵn lòng tin, nhưng Ngài cũng để lại đôi chút mơ hồ để không thúc ép những ai không sẵn lòng.”

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Có phải ông ấy nói rằng Chúa Trời không cung cấp đủ bằng chứng để chỉ rõ 100 phần trăm rằng Ngài tồn tại?

GIÁO SƯ.:   Đúng vậy. Đức Chúa Trời cung cấp đủ bằng chứng để lý trí chúng ta thấy Đức Chúa Trời tồn tại là hợp lý hơn nếu Ngài không tồn tại. Nhưng Đức Chúa Trời cũng để lại đủ sự mơ hồ, để một người cố ý không tin sẽ không bị buộc phải tin vào Ngài.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Tiến sĩ Geisler nói về những người “sẵn lòng” và “không sẵn lòng” tin. Có phải ông ấy nói rằng ý chí của một người có thể khiến người đó đánh giá các bằng chứng thiếu chính xác không? Ý chí này giúp người ta đón nhận hay khước từ sự thật?

GIÁO SƯ.:   Đúng vậy, nhiều nhà triết học vô thần đã thừa nhận điều này. Chẳng hạn như, trong một chương trình trước đây tôi có đề cập đến nhà thơ, nhà triết học người Đức Friedrich Nietzsche [FREE-drik NEET-shee], ông có viết rằng: “Chính định kiến của chúng ta quyết định chống lại Cơ đốc giáo, chứ không phải là lý luận.” Và gần đây tôi khám phá ra rằng ông ấy còn nói: “Nếu một ai đó có thể minh chứng Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta còn khó tin vào Ngài hơn.”

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      (NGẠC NHIÊN)  Có phải ông ấy muốn nói nếu có người đưa ra được càng nhiều bằng chứng về Chúa Trời, thì ông ấy càng chống lại các bằng chứng đó mạnh mẽ hơn không?

GIÁO SƯ.:   Đúng vậy. Giáo sư Geisler tóm tắt: “Hiển nhiên, sự vô tín của Nietzsche dựa trên ý chí, chứ không phải lý trí của ông ta.”
Điều đó hoàn toàn thống nhất với điều Kinh Thánh chép trong đoạn thứ nhất của sách Rô-ma 1. (LẬT SÁCH)  Ở đây, từ câu 18 đến câu thứ 20.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      “Cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật . Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được.”

GIÁO SƯ.:   Đó là điều lúc nãy chúng ta thảo luận, những phẩm chất vô hình về quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời có thể được nhìn thấy hoặc ít nhất là tiềm ẩn khi chúng ta nghiên cứu vũ trụ mà Ngài đã tạo dựng.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Nhưng phần chép rằng “dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật” nghe có vẻ vô lý quá. Tại sao một người lại khước từ lẽ thật, dù cho những lẽ thật đó có dẫn đến Đức Chúa Trời hay dẫn ra xa Ngài?

GIÁO SƯ.:   Tiến sĩ Geisler trả lời: “...nhiều người tin rằng tiếp nhận những lẽ thật của Cơ đốc giáo sẽ khiến họ phải thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cách sống, những ưu tiên, các mối liên hệ … – và họ không...sẵn lòng từ bỏ quyền kiểm soát cuộc đời mình để thực hiện những thay đổi đó. Họ tin rằng không có những thay đổi đó thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn và vui thú hơn.




NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Tôi có để ý thấy điều đó. Nhiều người kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời: “Ngươi chớ trộm cắp.” (Xuất-ê-díp-tô-ký 20:15). Những người khác nghĩ rằng họ có thể hưởng nhiều lạc thú hơn khi bất tuân điều răn: “Ngươi chớ phạm tội tà dâm.” (20:14). 
Vì vậy lẽ tự nhiên họ có xu hướng tin rằng Đức Chúa Trời không tồn tại, và rằng không ai trừng phạt họ vì đã vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời.

GIÁO SƯ.:   Những người vô thần áp dụng rất nhiều đức tin khi nỗ lực “đàn áp” hay “đè nén” lẽ thật rành rành rằng tự nhiên không thể tự dựng nên chính nó. Họ “áp bức lẽ thật” và khước từ Đức Chúa Trời có thân vị mà Kinh Thánh bày tỏ.   

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Nhưng chẳng phải Kinh Thánh cũng “áp bức” rất nhiều niềm vui trong cuộc sống sao? Chẳng hạn như, Kinh Thánh dạy rằng chúng ta phải hạn chế các hoạt động tính dục – không ‘làm điều đó’ cho đến khi mình lập gia đình, rồi sau đó không được lừa dối người phối ngẫu.
Chẳng phải như vậy làm hạn chế niềm vui của chúng ta một cách không cần thiết sao?

GIÁO SƯ.:   Không phải vậy đâu. Điều đó giúp hạn chế những đau buồn và nuối tiếc của chúng ta.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      (NGẠC NHIÊN)   Ý của giáo sư là gì?

GIÁO SƯ.:   Một chuyên gia về hôn nhân có nói rằng: “Các hoạt động tính dục ý nghĩa bao gồm sự hòa hợp thể chất của một người nam và một người nữ trong một mối quan hệ thân mật và chăm sóc lẫn nhau. Mỗi người bình thường đều có ham muốn tính dục, cùng với khát khao biết và được biết, yêu và được yêu. Cả hai khao khát này tạo nên mong muốn thực sự về tình thân mật trong một mối quan hệ; quan hệ tính dục chỉ là một nhân tố giúp chúng ta trải nghiệm sự thân mật thật sự mà thôi.”

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Có phải giáo sư nói rằng khi hai người nhìn thấy nhau như là thân xác, họ không thể phát triển một tình bạn và sự hiểu biết sâu sắc về nhau?

GIÁO SƯ.:   Đúng vậy. Khi họ tiến đến liên hệ thể xác quá nhanh, họ để vuột mất cơ hội tìm hiểu về những suy nghĩ và tâm hồn của người kia – những hoài bão và khát vọng.
Sự hiểu nhau, những cảm xúc và lòng tin cần có thời gian để lớn lên. Khi hai người vội vã động chạm vào “con người bề ngoài,” tức là thân thể, thì họ đã bỏ qua một chặng đường dài và những cơ hội tâm sự để biết và ngưỡng mộ “con người bề trong.”


NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Điều đó có lẽ đúng với một người nam và một người nữ có quan hệ tính dục rồi mới cưới nhau. Còn nếu một người có quan hệ tính dục với nhiều người trước khi cưới một trong số những người đó thì sao?


GIÁO SƯ.:   Điều đó tạo ra những biến chứng tình cảm nghiêm trọng. Một người từng tư vấn cho nhiều đôi vợ chồng gặp trục trặc giải thích rằng ông đã học được: “Một mối liên hệ tính dục đạt cực điểm chỉ tồn tại khi sự trao đổi thông tin, hiểu biết lẫn nhau, cảm xúc và lòng tin đã thành hình, và hai người đã kết ước vững chắc với nhau trong một mối quan hệ lâu bền. Những yếu tố trên càng đạt được nhiều, thì sự thân mật càng sâu sắc và mối quan hệ càng có ý nghĩa. Thời gian trôi qua, mối quan hệ đó càng trở nên có giá trị hơn, bởi nó là độc nhất.”
Ông nói tiếp: “Chia sẻ sự thân mật cho nhiều mối quan hệ tính dục hủy hoại những giá trị tích lũy của những mối quan hệ trước đó, làm phai nhạt và phân tán những gì người đó đáng phải chia sẻ.”

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Điều đó gợi cho tôi nhớ đến một bài hát nổi tiếng nhiều năm trước đây: “Anh Dành Tất Cả Tình Yêu Cho Em.”

GIÁO SƯ.:   Vâng. Kinh nghiệm con người cho thấy xét về lâu về dài, dành chính mình cho một người mà thôi khiến cho người ta thỏa lòng hơn.

NGƯỜI PHỎNG VẤN:      Như vậy là tất cả chúng ta đều “áp bức” một điều gì đó. Những người vô thần thì áp bức nhận thức của họ rằng Đức Chúa Trời tồn tại, để họ có thể chiều theo lối sống mà họ biết rằng sẽ không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời nếu họ thừa nhận rằng Ngài tồn tại.

GIÁO SƯ.:   Và những người làm theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh tạm thời áp bức những xu hướng tính dục của họ, giữ lại cho đến khi lập gia đình. Sự lựa chọn giống như là ăn đồ hộp lúc năm giờ, hay là chờ đợi và ăn bữa tiệc thịnh soạn vào lúc 7:30.

Kinh nghiệm cho thấy người ta được thỏa lòng hơn trong cuộc sống khi họ chấp nhận sự thật rằng Đức Chúa Trời tồn tại và hiểu rằng Ngài đã ban cho chúng ta Kinh Thánh, để hướng dẫn chúng ta sống lợi ích nhất và thỏa lòng lâu dài nhất.

Chia sẽ lên

0 nhận xét:

Cảm ơn bạn đã nhận xét. Nguyện Chúa ban phước cho bạn.

Những Bài Viết Liên Quan

About-Donate-Contact-Sitemap
Copyright © 2017 TRỞ THÀNH NGUỒN PHƯỚC. Jesus Love You .
Proudly Powered by Quang Vo.
back to top