Tro Thanh Nguon Phuoc
Trở Thành Nguồn Phước. Lời Kinh Thánh: Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước. (Sáng thế ký 12:1-3)

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

Trở Về Nguồn Cội

Posted at  10/15/2019 11:57:00 CH  |  in  Tìm Hiểu Niềm Tin

Kết quả hình ảnh cho Trở Về Nguồn Cội

“Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho ta cám ơn Trời dầu sống thương đau. Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau...” Đây là một đoạn trích trong ca khúc “Trở Về Cát Bụi” của Lê Minh Bằng mà có thể bạn đã từng được nghe. Lê Minh Bằng đã ý thức thân phận phù du của con người. Cao Bá Quát cũng có cùng một ý nghĩ, khi ông viết trong “Lên Đoạn Đầu Đài”: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.”
Lời Giới Thiệu
Một trong những niềm hãnh diện và vui sướng của đời tôi là được có một phần trong tiến trình tin nhận Chúa của ông Lê Tự May. Như quý vị sẽ đọc thấy trong lời chứng, ông đã đến với Chúa qua sự hướng dẫn diệu kỳ của Ngài mà tôi chỉ là một trong những nhân tố khiến ông gặp Chúa và tin nhận Ngài. Kinh Thánh ghi lại một câu chuyện trong thời các sứ đồ về một sĩ quan La-mã tên là Cọt-nây. Người đội trưởng nầy đã tin Chúa trong một hoàn cảnh tương tự như ông May vì người làm chứng (sứ đồ Phi-e-rơ) và ông Cọt-nây chưa bao giờ gặp nhau, nhưng Chúa đã dùng những hoàn cảnh khác nhau để đem họ lại với nhau như Chúa đã đem tôi đến gặp ông May trước đây. Ông May chẳng những tin nhận Chúa, nhưng đời sống tâm linh của ông cũng đã tăng trưởng. Từ khi gặp Chúa đến nay, ông chỉ có một ước vọng là làm thế nào để mọi người chung quanh ông đều được biết đến Chúa và tin nhận Ngài như ông. Ông thường nói với tôi: “Tại sao phải đợi đến lúc bà Elsie nói với tôi về Chúa tôi mới được biết Ngài? Tại sao không có ai nói về Chúa cho tôi trước đó?” Ông luôn luôn nặng lòng về những người chưa tin Chúa nên gặp bất cứ ai, ông cũng đều muốn nói về Chúa cho họ. “Trở Về Nguồn Cội” là tất cả tâm tình của ông về kinh nghiệm gặp Chúa và niềm tin của mình. Ông chẳng những đã gặp Chúa, được Ngài thay đổi nhưng cũng đã hiểu thật rõ về đức tin của mình. Ông chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm đó cho thật nhiều người, những người mà có lẽ ông không bao giờ gặp. Chính bản thân ông, nhờ người nầy, người kia giới thiệu mà ông mới biết Chúa và kinh nghiệm ơn tái sinh, ông mong ước những ai đọc tập sách nầy cũng sẽ có cùng một kinh nghiệm. Tôi chúc mừng ông May đã trở về với nguồn cội và hân hạnh giới thiệu lời chứng của ông với quý độc giả.

TRỞ VỀ NGUỒN CỘI 
Đời Người Phù Du.
  “Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho ta cám ơn Trời dầu sống thương đau. Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau...” Đây là một đoạn trích trong ca khúc “Trở Về Cát Bụi” của Lê Minh Bằng mà có thể bạn đã từng được nghe. Lê Minh Bằng đã ý thức thân phận phù du của con người. Cao Bá Quát cũng có cùng một ý nghĩ, khi ông viết trong “Lên Đoạn Đầu Đài”: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.” Hàn Mặc Tử cũng đã thốt lên: “Nhưng rồi ta sẽ chết, than ôi....” Sự tuyệt vọng về cái chết bao trùm trên toàn thể nhân loại. Dầu muốn hay không, chẳng một ai trong chúng ta thoát khỏi cái chết. Tất cả đều phải buông xuôi, như Kinh Thánh dạy: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). (Những chữ trong ngoặc kép và có kèm theo tên sách, như thế này. Đó là lời của Đức Chúa Trời được trích ra từ Kinh Thánh;Hê-bơ-rơ là tên của một sách trong Kinh Thánh;số 9 trước hai chấm nói đến đoạn thứ chín; số 27 nói đến câu 27 trong đoạn này).
Cuộc đời như một vở tuồng trên sân khấu
  Nếu suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy đời người giống như một vở tuồng trên sân khấu, với những màn hay giai đoạn khác nhau. Lúc sinh ra, chúng ta được cha mẹ yêu thương, chăm sóc; lớn lên cắp sách đến trường; để rồi rời khỏi trường học bước vào trường đời. Trường đời có nhiều gian lao, khó nhọc, lúc vui, khi buồn, phải đấu tranh để sống. May mắn thì có việc làm ổn định, đồng lương cao, có địa vị, danh vọng; kém may mắn thì thất nghiệp, lắm khi bị chèn ép, thiệt thòi. Đến khi lập gia đình, nhiều lúc cuộc sống vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt.” Niềm vui chóng qua, nhưng nỗi buồn cứ triền miên. Thêm vào đó, còn có nỗi lo cho con cái, mong chúng mau khôn lớn thành tài. Năm tháng dần trôi, tuổi đời chồng chất, sinh hoạt trở nên chậm chạp, chưa kể những căn bệnh hiểm nghèo, phải nằm một chỗ, cần người chăm sóc. Rồi “màn” cuối cùng của vở tuồng là cái chết. Khi còn trẻ con người chạy theo tiền tài, danh vọng; lúc bị bệnh nan y mới biết sức khỏe còn quý hơn vàng hay danh vọng. Nhưng đến lúc đó, dầu có toan tính cho tương lai bao nhiêu cũng vô nghĩa. Đời người rơi vào vòng lẩn quẩn “sinh, lão, bệnh, tử.”

 Bạn thân mến! Cuộc đời là như thế. Thế nhưng lúc còn sống chẳng mấy ai dành thì giờ tìm hiểu về Thiên đàng hay địa ngục, vì cho rằng nó không liên hệ gì đến mình. Làm sao lên được Thiên đàng? Đó là điều vô cùng quan trọng. Khi đề cập đến vấn đề Thiên đàng, dĩ nhiên phải nói đến Đấng Tạo Hóa, hay ông Trời.
NIỀM TIN VỀ ÔNG TRỜI CỦA NGƯỜI VIỆT
 Niềm tin nơi ông Trời, một Đấng Tạo Hóa, của dân tộc Việt vẫn luôn trường tồn. Đa số người Việt tin rằng Ngài chính là Đấng Thần Linh đã sinh tạo và bảo tồn con người, cùng muôn loài vạn vật. Bởi vậy, đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời không phải là “theo đạo,” tức theo một tổ chức tôn giáo, nhưng là quay trở về với Đấng đã tạo sinh nhân loại, là trở về với nguồn cội của con người. Ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng nói lên Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng và chăm sóc mọi loài như: “Trời sinh voi, sinh cỏ,” hoặc: “Trời sinh, Trời dưỡng.” Niềm tin Ngài là Đấng Tạo Hóa cũng thấy trong những câu ca dao khác như: “Non kia ai đắp mà cao, sông kia biển nọ ai đào mà sâu?” hay: “Lạy Trời mưa xuống Lấy nước tôi uống Lấy ruộng tôi cày Lấy đầy bát cơm Lấy rơm đun bếp.” Không những vậy, người Việt còn tin rằng chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng Thần Linh, thông biết tất cả mọi điều và Ngài là Đấng phân xử công minh như: “Ông trời có mắt,” “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng không lọt,” “Gieo gió, gặt bão.” Để bày tỏ lòng tôn thờ, biết ơn đối với Đức Chúa Trời, ngày xưa ông bà tổ tiên ta thường lập bàn thờ nhỏ ở ngoài trời gọi là Bàn Thờ Ông Thiên.
LỜI CHỨNG CÁ NHÂN 
 Tôi xin phép được chia sẻ cùng bạn kinh nghiệm của tôi, là người ngày trước cứng lòng, không tin có Đức Chúa Trời, nhưng nay đã trở thành người biết tin kính, tôn thờ Ngài. Là một người thường phân vân không biết sau khi chết sẽ đi về đâu, mà ngày nay tôi biết rất rõ ràng rằng mình sẽ được về Thiên đàng. Tôi ước mong được chia sẻ niềm vui này với bạn, để bạn cũng có thể nhận được điều đó. Tôi sinh trưởng trong gia đình chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo. Cha tôi dùng căn nhà của ông nội để lại cho việc thờ cúng. Tuy không phải là Phật tử, nhưng vì học tại trường Bồ-đề, tôi cũng được học đại cương về lịch sử Phật Thích-ca. Thuở nhỏ, mỗi tối tôi thường giúp cha thay những ly nước tại bàn thờ, để ông đốt nhang đèn, bái lạy ông bà tổ tiên. Mỗi khi cha tụng kinh, gõ mõ, ông bảo tôi đứng bên giúp đánh chuông. Dầu không có một khái niệm rõ ràng về tội lỗi, nhưng từ thời niên thiếu tôi đã rất sợ phạm tội.
 Đời sống trước khi tin Chúa 
 Vì sinh trưởng trong vùng chiến tranh và thường bị lũ lụt, nên tôi không tin rằng có Đấng Tạo Hóa. Tôi thiết nghĩ, nếu có ông Trời thì tại sao chỗ này có chiến tranh, nhưng chỗ kia lại thanh bình; nơi này lụt lội, chết chóc, đói khổ, còn nơi khác thời tiết lại tốt lành, cây trái sum sê, con người no đủ. Chính sự ray rứt này khiến tôi cảm thấy rất căm tức khi nghe ai nhắc đến hai tiếng “ông Trời.”
    Rồi đất nước xảy cuộc dâu bể. Cùng với gia đình, tôi phải rời quê hương. Sau vài ngày lênh đênh trên biển, có nhiều lần chúng tôi gặp nạn, nhưng lạ thay trong cơn hoạn nạn lại được gặp may mắn. Sau khi ghe bị mắc cạn trong vùng san hô ngầm ở giữa biển khơi, chúng tôi được thuyền đánh cá vớt và đưa vào Hồng Kông. Có lẽ, đó là lần đầu tiên lòng tôi tự nhủ: Phải chăng có một “sự-huyền-diệu” nào đó che chở? Sau đó, chúng tôi được bảo lãnh đi định cư tại Mỹ. Gia đình bảo trợ mời chúng tôi đi nhà thờ. Vì vị nể, chúng tôi đến một lần. Khi về nhà, tôi bảo các anh chị: “Đừng ai đến nhà thờ nữa, họ đang dụ dỗ mình theo đạo đó!” Thuở nhỏ đi học, tôi được dạy rằng nước Pháp lợi dụng cơ hội các giáo sĩ đi truyền giáo bị vua Việt Nam bắt, đã đưa quân xâm chiếm nước ta. Cho nên mỗi khi nghe đến chữ “Chúa” là tôi có ác cảm ngay. Hơn nữa, vì biết vài mục sư và linh mục phạm tội, nên có lần tôi nói với một người rằng, chắc “đạo Chúa” này không tốt. Người ấy đáp, tuy là mục sư hay linh mục, họ vẫn là con người như chúng ta, và con người thì không có ai hoàn toàn cả. Chúng ta thường có cái nhìn sai hướng, thay vì nhìn lên Đức Chúa Trời, thì lại nhìn vào con người.
 Một lần nọ, có người nói với tôi rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên vạn vật và vũ trụ. Tôi liền chỉ cây trụ điện và nói: “Nếu quả thật có ông Trời quyền năng, thì ông Trời hãy làm cho cây trụ điện kia nở hoa, tôi mới tin.” Tôi luôn luôn tìm cách chống đối như vậy. Biết thân phận định cư trên xứ người, tôi cố gắng làm việc. Sau khi được anh chị tôi cho một tiệm làm tóc, cuộc sống tôi từ đó cũng thoải mái hơn, nhưng cạm bẫy cũng nhiều hơn. Tôi bắt đầu ý thức mình là người tội lỗi, lý trí thì biện hộ, còn lương tâm thì dằn vặt. Kể từ đó, cuộc sống tôi bước sang ngả rẽ khác, ngả rẽ của phân vân, ưu tư, lo lắng. Những thắc mắc và lo sợ trong cuộc sống xâm chiếm tôi. Tôi tự hỏi con người sinh ra để làm gì? Nhân loại tự cho rằng mình đạo đức, khôn ngoan, nhưng sao lại chế tạo súng đạn, bom nguyên tử để giết nhau? Tôi lo sợ cho con mình lớn lên dễ bị hư hỏng khi sống trong một đất nước tự do nhưng lại đầy cám dỗ. Tôi cũng sợ không biết khi chết mình sẽ đi về đâu. Hàng loạt những câu hỏi cứ lảng vảng trong đầu, làm cho tôi bất an, chán nản.
  Lúc ấy tôi thờ cúng nhiều, nào là Thần tài, ông Địa, Phật bà. Tôi còn rước thầy người Miên về để vẽ bùa trong tiệm nữa. Mỗi lần cúng, ông lấy chất bột gì màu trắng hòa với một ít nước và tụng kinh, rồi tay vừa vẽ bùa vào trước cửa, miệng vừa đọc thần chú và thổi phù phù. Hằng ngày tôi đều thắp nhang khấn vái. Thỉnh thoảng tôi mua trái cây, rượu, thịt để cúng. Đầu năm, tôi coi ngày lành tháng tốt để khai trương cửa tiệm. Cuối năm tôi cúng tất niên, và chọn ngày tốt để “tắm rửa” các tượng thờ. Tuy thờ cúng nhiều, lòng tôi vẫn bất an, lắm lúc lại còn mâu thuẫn, khi thì tin điều mình thờ cúng, khi thì chẳng tin. Đôi khi tôi còn nghĩ rằng, nếu thật có các vị thần nầy, thì chắc họ sẽ quở trách tôi, vì giống như tôi đã đem đồ cúng đến để hối lộ họ. Nhiều khi tôi cũng suy nghĩ và tự hỏi: “Tại sao người Anh, người Mỹ không thờ cúng như người Việt Nam, cũng không xem ngày giờ, kiêng cữ hay cúng tế gì, mà nước họ lại giàu mạnh và tiến bộ?”
Chúa tìm tôi
 Dưới sự hướng dẫn mầu nhiệm của Đức Chúa Trời. Một ngày kia tôi uốn tóc cho một người Đài Loan tên Elsie. Thấy tôi thờ cúng nhiều, bà bèn hỏi: “Sao ông lại thờ nhiều vậy?” Tôi trả lời: “Tôi là người làm ăn, thấy ai thờ gì thì bắt chước vậy.” Bà Elsie liền kể với tôi về cuộc đời của bà đã được thay đổi như thế nào từ khi bà tin nhận Chúa Giê-xu. Bà nói rất nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ đại ý rằng: Đức Chúa Trời ban cho con người thức ăn, nước uống, không khí, nhờ đó phần thể xác mới sống được. Ông Trời cũng ban cho nhân loại ơn cứu rỗi để chúng ta được cứu phần linh hồn. Rồi bà hỏi tôi tin có ông Trời không? Tôi nói, đôi khi tôi cũng tin, nhưng không rõ lắm. Sau đó bà cầu nguyện cho tôi tin Chúa. Thật tình lúc ấy tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi chỉ thật tâm biết mình là người tội lỗi, và tin rằng phải có một “sự-huyền-diệu” nào đó, chứ loài người không thể tự nhiên mà có được. Vài ngày sau bà Elsie đem đến tặng cho tôi một cuốn Kinh Thánh tiếng Việt.
 Một ngày kia trong lúc đi đường, bà Elsie tình cờ nhìn thấy tấm bảng “Hội thánh Tin Lành Việt Nam” viết bằng tiếng Anh. Ghé vào, gặp Mục sư Nguyễn Thỉ, bà đưa tên cùng số điện thoại của tôi để nhờ ông thăm viếng. Vài ngày sau, anh Võ văn Hóa đưa gia đình đi lo công việc tại khu thương mại nơi tiệm tôi tọa lạc. Anh kể lại rằng, hôm ấy, tuy tóc chưa cần phải cắt, nhưng khi đi ngang và nhìn thấy tiệm, Chúa cảm động trong lòng khiến anh lại muốn vào cắt tóc. Vào tiệm, con gái anh thấy tôi đang đọc Kinh Thánh, bèn hỏi: “Chú đi nhà thờ nào vậy?” Tôi trả lời: “Chú chỉ đọc để tìm hiểu thôi, chứ chưa đi nhà thờ nào cả.” Cháu bé nói lại với anh Hóa. Anh liền đến hỏi thăm, xin tên cùng số điện thoại của tôi, và sau đó cũng đưa cho Mục sư Thỉ. Không hiểu vì lý do nào (có lẽ anh Hóa hoặc bà Elsie đã viết lộn chăng?), nhưng lạ thay khi Mục sư Thỉ so sánh hai miếng giấy do anh Hóa và bà Elsie đưa, thì thấy hai tên khác nhau (một tên là “May” và tên kia là “Nay”), còn số điện thoại lại giống. Khi gọi điện thoại đến tôi, ông nói: “Tôi là Mục sư Nguyễn Thỉ, xin cho tôi gặp anh Lê Tự Nay.” Nghe ông nói tên “Nay,” bỗng dưng cả người tôi nổi da gà, vì “Nay” là tên mà chỉ trong gia đình mới biết, còn “May” là tên trong giấy tờ và thường gọi. Lúc ấy tôi có cảm nghĩ rằng, chính Chúa đã tìm tôi, đã gọi tôi. Sau đó, ông bà Mục sư Nguyễn Thỉ đến nhà tôi thăm. Ông bà làm chứng thêm về Chúa cho tôi. Mấy ngày sau, khi tôi đến nhà thờ để tìm hiểu, Mục sư Nguyễn Đăng Minh làm chứng thêm và mời tôi tin Chúa. Thấy tôi từ chối, nói rằng để chờ vợ con tin cùng một lúc luôn, ông nói: “Xin lỗi anh, con người chúng ta sống chết lúc nào cũng không biết, có thể trong tương lai lâu lắm, có thể nay mai. Chốc nữa đây chúng ta cũng không biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng nếu anh cầu nguyện tin Chúa, thì anh nhận được sự cứu rỗi và sự sống đời đời ngay bây giờ. Hơn nữa vì Đức Chúa Trời có quyền năng, Ngài sẽ làm cho vợ con anh tiếp nhận Chúa sau.” 
 Cảm tạ Đức Chúa Trời đã mở lòng tôi, để tôi bằng lòng tin nhận Ngài. Ngay lúc đó, ông bà Mục sư Minh và ông bà Mục sư Thỉ hướng dẫn tôi cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Thật tạ ơn Ngài, vài tuần sau vợ tôi cũng bằng lòng tin nhận Chúa.
Chúa thay đổi đời sống tôi
 Tôi đã quay trở về tiếp nhận Chúa năm 1991. Lúc ban đầu mới tin, tôi cũng còn nhiều nghi vấn. Nhưng sau một thời gian đến nhà thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời, nghe các Mục sư giảng dạy lời Chúa, cũng như qua các lớp học Kinh Thánh cùng với việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, Chúa đã soi sáng, mở lòng tôi. Tôi bắt đầu nhận thấy những ngờ vực của mình từ từ tan biến. Chúa cho tôi nhận ra rằng Kinh Thánh là quyển sách duy nhất cho biết về nguồn gốc sáng tạo vạn vật; Đức Chúa Trời là Đấng tạo sinh, nuôi sống nhân loại; và ai tin Chúa Cứu-thế Giê-xu thì được tha tội, được cứu rỗi.
 Cây trụ điện mà ngày xưa tôi đã từng dùng để thách thức Đức Chúa Trời làm cho nó nở hoa, bây giờ vẫn đứng sừng sững, nhưng lòng tôi lại nở hoa. Tôi đã gặp Chúa qua đức tin đơn sơ, nhưng từ đó tôi kinh nghiệm được tình yêu thương ngọt ngào của Ngài. Tôi rất thích bài Thánh ca “Gặp Gỡ Chúa Giê-xu,” trong đó có đoạn viết: “Gặp gỡ Chúa Giê-xu biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Chúa Giê-xu kinh nghiệm ơn tái sinh.” Thật vậy, tôi cảm thấy mình như một người mới, như đã bước từ bóng tối qua ánh sáng. Từ chỗ không hiểu và có ác cảm với Đức Chúa Trời, tôi đã tin nhận và đầu phục Ngài với một tấm lòng biết ơn. Tôi như “người con hoang đàng” được trở về cùng Cha Thiên Thượng, được tha thứ và phục hồi. Trước đây tôi sống trong buồn chán, ngay cả với chính mình, nhưng bây giờ tôi vui vẻ và đầy hy vọng. Trước đây tôi rất lo lắng cho công ăn việc làm, nhưng bây giờ tôi tin cậy nơi sự quan phòng của Chúa. Trước đây tôi lo sợ con cái mình lớn lên bị hư hỏng, nhưng bây giờ tôi tin nơi sự hướng dẫn của Chúa cho tương lai của chúng. Giờ đây tôi không còn thờ cúng, bùa ngải như trước, nhưng lạ thay lòng tôi luôn có sự bình an mà trước đây không hề có.
 Chúa cũng đã nhậm lời cầu nguyện chữa bệnh cho cha tôi. Hai lần ông bị tai biến mạch máu não, lần thứ nhất ông được phục hồi trong vòng một tuần, lần thứ nhì chỉ trong một ngày. Một lần khác, bác sĩ cho biết ở trong phổi của ông có một cục u. Họ nghi rằng ông bị ung thư, nhưng Chúa đã chữa lành. Chính tôi cũng được Chúa chữa lành. Lần nọ tôi bị bệnh ruột già phải nằm bịnh viện. Sau bốn ngày, bác sĩ thấy tôi đã hết bị nhiễm trùng nên cho xuất viện. Sau khi về nhà được bốn ngày, cơn đau bộc phát dữ dội. Tôi trở lại bác sĩ, và ông cho tôi biết là CAT scan cho thấy các chỗ bị viêm sưng hơn trước và có mủ. Ông hối thúc tôi phải nhập viện ngay để ngày mai mổ. Nhưng tôi nói sáng mai tôi sẽ vào. Ông bảo, “Không được, để vậy nguy hiểm lắm!” Vì tôi nài nỉ mãi, ông đành phải chịu. Đêm đó khi cả gia đình tôi cầu nguyện, tôi cầu xin rằng: “Con tin tưởng vào sự sắp đặt của Chúa, xin ý Ngài được nên trên bịnh tình của con.” Tôi cũng gởi điện thư nhờ các anh chị em trong Hội thánh cầu nguyện. Các đêm trước đó tôi bị đau nên thức giấc nhiều lần. Nhưng đêm hôm ấy Chúa ban cho tôi sự bình an lạ thường. Tôi ngủ rất ngon, chỉ thức dậy có một lần lúc gần sáng, và cảm thấy không còn bị đau nữa. Thử lấy tay ấn vào bụng, tôi cũng không thấy đau. Biết rằng mình đã được Chúa chữa lành, tôi cầu nguyện cảm tạ Chúa, nước mắt chảy dài, lòng tràn ngập niềm vui mừng. Sáng hôm sau tôi gọi bác sĩ, cho ông biết tôi không cần nhập viện, vì đã được Chúa chữa lành.
 Tuần sau đó, khi tôi trở lại tái khám, bác sĩ nói với vợ tôi rằng: “Ông May đến đây được hôm nay là một sự mầu nhiệm!” Sau đó ông giải thích rằng, hình chụp hôm trước cho thấy có nhiều chỗ trong ruột già bị sưng to bằng đầu ngón tay cái, có mủ và có thể bị vỡ ra bất cứ lúc nào. Nguy hiểm như vậy, nhưng cảm tạ Chúa, chỉ trong vài tiếng đồng hồ Ngài đã chữa lành cho tôi. Cảm tạ Đức Chúa Trời đã chữa lành bịnh cho tôi. Nhưng dẫu tôi phải chết vì những cơn bệnh đó, tôi cũng biết chắc rằng mình sẽ được vào Thiên đàng. Nhờ đâu tôi có lòng tin chắc chắn như vậy? Bạn sẽ biết được câu trả lời khi đọc hết sách này. Từ khi tôi nhận biết chắc rằng mình sẽ được vào Thiên đàng, không những tôi mong tất cả người thân của mình được vào Thiên đàng, mà còn mong ước cho mọi người khác cũng sẽ được như vậy. Cảm tạ Đức Chúa Trời đã mở lòng cho một số người trong gia đình chúng tôi, để họ tin nhận Ngài. Đây là điều quý nhất Ngài đã ban cho chúng tôi mà không có gì ví sánh được. 
 Xin bạn cho tôi chia sẻ với bạn những điều Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, để tôi kinh nghiệm được tình yêu thương tuyệt diệu của Ngài. Nguyện xin Đức Chúa Trời mở lòng, tâm trí và tâm linh bạn, để bạn biết được điều mà Ngài đã ban cho nhân loại, và cách nào bạn nhận được điều ấy. Thường khi nói đến vấn đề tâm linh, Thiên đàng, địa ngục, chúng ta hay dựa vào tôn giáo, tu thân tích đức để làm phương tiện. Tuy vậy, có chắc rằng tôn giáo, hoặc tự mình có thể cứu chúng ta được chăng? Vì sự quan trọng của vấn đề, nên chúng ta cần phải bàn đến một cách thẳng thắn, phải nói lên sự thật. 
“Sự thật, thật sự”
    Thưa bạn! “Sự thật” thì lúc nào cũng là “thật sự.” Chúng ta thường vị nể và sợ mích lòng nhau, nên không dám nói “sự thật.” Giả định, bạn chỉ tay vào chiếc xe đạp và nói rằng: “Đây là chiếc xe gắn máy.” Nhưng vì lý do nào đó, tôi cũng đồng ý với bạn đó là chiếc xe gắn máy, tức là tôi đã không bày tỏ tấm lòng “thật” của tôi, đã không dám nói lên “sự thật.” Xin phép bạn cho tôi nói lên “sự thật” trong sách nhỏ này với tấm lòng chân thành, tôn trọng bạn. Khi gỡ một sợi dây đã bị rối, nếu vội gỡ liền mà không chịu tìm ra đầu mối trước, thì càng cố gắng gỡ nhanh, lại càng làm dây rối thêm. Nhưng nếu ta tìm xem đầu mối ở đâu, rồi từ đó bắt đầu gỡ, thì sẽ dễ hơn. Cũng vậy, muốn tìm hiểu để biết làm thế nào được vào Thiên đàng, chúng ta cần phải tìm xem nhân loại sống được là thật sự nhờ vào đâu? Từ đó chúng ta mới có thể đạt đến những điều xa hơn được. Vì chúng ta phải cần nhiều thì giờ bàn về vấn đề này, xin bạn kiên nhẫn nhé!
CON NGƯỜI SỐNG NHỜ TRỜI
  Đức Chúa Trời ban cho con người các vật thực để sống. Như bạn biết, thân thể chúng ta sống được là nhờ thức ăn, chứ không phải nhờ đạo đức, vì người gian ác cũng sống. Chúng ta sống được là nhờ nước uống, chứ không phải nhờ học thức, vì người thất học cũng sống. Chúng ta sống được là nhờ không khí, chứ không phải nhờ theo đạo, vì người không tôn giáo cũng sống. Ngoài thể xác ra, con người còn có linh hồn. Đức Chúa Trời cũng đã sắm sẵn và ban cho con người một “sự việc,” để nhờ đó chúng ta được cứu rỗi. Từ từ thì bạn sẽ biết rõ “sự việc” nầy là gì.
Thiên đàng, địa ngục là của Đức Chúa Trời
     Vì mọi vật đều là của Đức Chúa Trời, Thiên đàng, địa ngục cũng là của Ngài, cho nên muốn được ở Thiên đàng, chúng ta cũng phải nghe lời của Chúa mà thôi, chứ không phải lời của các đạo giáo, hoặc làm theo ý mình. Nhưng nếu chẳng ai thấy Đức Chúa Trời, thì làm sao tự chúng ta biết được đường lên Thiên đàng, hay nẻo xuống địa ngục? Vì chúng ta chỉ là loài thọ tạo. Tuy vậy, Đức Chúa Trời đã có cách để cho chúng ta biết. Giả định, các con bạn vì không vâng lời bạn nên đang bị đi lạc trong một khu rừng có thú dữ, chông gai. Khi thấy như vậy, chắc chắn bạn không nỡ đưa mắt nhìn, nhưng sẽ tìm cách giải cứu chúng. Cũng vậy, vì tình yêu thương, Đức Chúa Trời đã hướng dẫn chúng ta, bằng cách ban cho bộ Kinh Thánh, để bày tỏ cho nhân loại biết con đường sự sống, con đường cứu rỗi. 
KINH THÁNH LÀ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI
Đức Chúa Trời ban Kinh Thánh
    Dĩ nhiên Kinh Thánh không phải từ trên trời rơi xuống, nhưng do con người viết. Dầu vậy Kinh Thánh không đến từ sự suy nghĩ của con người, nhưng từ sự soi dẫn, cảm động của Đức Chúa Trời. Đôi khi Chúa hiện ra với người này người kia để hướng dẫn họ viết xuống. Kinh Thánh chép: “Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Sa-mu-ên, khiến cho người biết lời của Ngài” (Giê-hô-va là danh hiệu của Đức Chúa Trời.) (I Sa-mu-ên 3:21); Đức Chúa Trời hiện đến cùng Môi-se và sai ông đi giải cứu dân Do-thái: “Vậy bây giờ, hãy đi; ta sẽ ở cùng miệng ngươi và dạy ngươi những lời phải nói” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:12). Ngài phán cùng tiên tri Ê-sai rằng: “Bây giờ ngươi hãy đi, chạm lời nầy trên bảng nhỏ ở trước mặt họ, hãy chép vào sách, để truyền lại đời sau, mãi mãi không cùng.” (Ê-sai 30:8). Nhiều khi Chúa không hiện ra trực tiếp với những trước giả, nhưng tác động trong lòng họ để họ viết. (Vì Đức Chúa Trời mới thật sự là tác giả của Kinh Thánh, những người viết Kinh Thánh được gọi là trước giả.) Những người này xác nhận: “Đây là lời Đức Chúa Trời;” “Đây là mạng lịnh Chúa truyền,” hoặc: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (II Ti-mô-thê 3:16); hay: “Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 1:20-21).
     Sự bày tỏ về Đức Chúa Trời đã được trọn vẹn vào thời Chúa Giê-xu và qua Chúa Giê-xu. Kinh Thánh chép: “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài (Chúa Giê-xu)” (Hê-bơ-rơ 1:1-2). Ngày nay Đức Chúa Trời không còn dùng con người để phán dạy như lúc trước nữa, nhưng dùng lời của Ngài đã thành văn, tức là Kinh Thánh, để bày tỏ cho nhân loại.
Sự đồng nhất và tồn tại của Kinh Thánh
 Mặc dầu có khoảng 40 trước giả, họ khác nhau về trình độ học vấn, địa vị trong xã hội. Có người là học giả, triết gia, bác sĩ; có người hành nghề chăn chiên, ngư phủ.... Họ sống ở những lục địa khác nhau, đôi khi cách nhau hàng trăm năm. Toàn bộ Kinh Thánh cần khoảng 1600 năm mới được hoàn thành. Vậy mà tất cả 66 sách trong đó không những không đối chọi nhau mà còn có một sự đồng nhất kỳ diệu, ấy là cùng nói về Chúa Cứu-thế Giê-xu, giải pháp cứu rỗi duy nhất Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại. Điều này đúng như lời Chúa Giê-xu phán trong sách Giăng 5:39: “Ấy là Kinh Thánh làm chứng về ta vậy.” Trong lịch sử đã có biết bao nhiêu hoàng đế, các nhà độc tài tìm cách đốt bỏ Kinh Thánh, nhưng đến ngày nay Kinh Thánh đã được phổ biến khắp thế giới. Người ta ước lượng có trên 3.5 tỷ cuốn đã được phát hành. Hiện nay Kinh Thánh được dịch ra hơn 1500 thứ tiếng, và có không biết bao nhiêu là sách vở đã viết, đã nghiên cứu, đã trích dẫn về Kinh Thánh. Trong thế gian chưa từng có một cuốn sách nào như vậy cả.
Sự ứng nghiệm và đổi mới lòng người của Kinh Thánh
 Kinh Thánh có trên ngàn lời tiên tri, phần lớn đã được ứng nghiệm. Điển hình là sự thay đổi của nước Do Thái và các nước chung quanh: Đế quốc A-si-ri và Ba-by-lôn bị sụp đổ; dân Do Thái trải qua nhiều lần bị lưu đày và trở về lập quốc; thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá.... Đặc biệt có những lời tiên tri về Chúa Giê-xu đã được dự báo hơn 700 năm trước Ngài, và có hơn 360 lời tiên tri về Ngài đã được ứng nghiệm, chẳng hạn như sự giáng sinh của Ngài, việc Ngài cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem, sự chết và sự sống lại của Ngài.
 Những sự ứng nghiệm mầu nhiệm, những sự đồng nhất kỳ diệu chứng minh một cách rõ ràng rằng Kinh Thánh phải đến từ Đức Chúa Trời. Chúa phán: “Nếu ngươi nói trong lòng rằng: Làm sao chúng ta nhìn biết được lời nào là lời Đức Giê-hô-va không phán? Khi kẻ tiên tri nhân danh Đức Giê-hô-va nói, ví bằng lời người nói không xảy đến và không ứng nghiệm, ấy là lời mà Đức Giê-hô-va chẳng có phán” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:21-22). Chính Chúa Giê-xu cũng minh xác như vậy: “Ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm” ( Lu-ca 24:44). Qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời cũng đã thay đổi đời sống của cả hàng tỷ người, từ bất kính trở nên tin kính, từ bất an thành bình an, từ xấu thành tốt, từ tuyệt vọng thành hy vọng, và tôi là một trong những người đó.
Tra xem Kinh Thánh để biết những vấn đề tâm linh
 Vì Kinh Thánh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời, nên muốn biết về Ngài, về con người, về Thiên đàng hay hỏa ngục... chúng ta chỉ có cách duy nhất là tra xem Kinh Thánh. Nếu không tin Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời, và dầu tin nhưng không căn cứ vào đó để biết những điều thuộc về phạm vi tâm linh, thì chúng ta cũng không có thể căn cứ vào đâu để biết được, vì chúng ta chỉ là loài thọ tạo mà thôi.
Đại ý Kinh Thánh
 Kinh Thánh bày tỏ cho nhân loại biết vạn vật và con người không phải tự nhiên mà có, nhưng chính Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa, đã tạo dựng nên tất cả. Kinh Thánh cũng trả lời những câu hỏi như: Tại sao loài người phạm tội, và không còn thấy Đức Chúa Trời? Tại sao loài người sống trong vòng sanh, lão, bệnh, tử? Tuy nhiên, Kinh Thánh không dừng lại tại đây, nhưng mục đích chính của Kinh Thánh là bày tỏ chương trình cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giê-xu, để chúng ta được tha tội, được cứu vào Thiên đàng và ở cùng Chúa. Lời Chúa phán: “Hỡi các ngươi hết thảy ở các nơi đầu cùng đất, hãy nhìn xem ta và được cứu! Vì ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác” (Ê-sai 45:22); “Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời (Chúa Giê-xu)” (I Giăng 5:13). Bây giờ chúng ta hãy xem Kinh Thánh bày tỏ gì về:
ĐỨC CHÚA TRỜI
Đức Chúa Trời là Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu
    Chúng ta có quá khứ, hiện tại, và tương lai; nhưng Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Ngài tạo dựng nên không gian, thời gian, hiện hữu trước khi có không gian và thời gian. Ngài là Đấng Tự Có và Hằng Có: “Trước khi núi non chưa sanh ra, đất và thế gian chưa dựng nên, từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 90:2).
Đức Chúa Trời tạo dựng vạn vật
    Bình thường chúng ta cho rằng mình đang chúc đầu “lên” trời, nhưng thật ra chúng ta đang chúc đầu “ra” ngoài không gian, vì trái đất hình tròn. Dầu di chuyển trên mặt đất, con người và xe cộ không bị rớt ra ngoài không gian. Mặc dầu ở thế kỷ thứ 16 đã có người nghĩ rằng trái đất hình tròn, nhưng mãi cho đến thế kỷ thứ 20 con người mới có được những hình chụp xác định rõ ràng trái đất lơ lửng giữa không gian. Trong khi đó, Kinh Thánh đã cho biết: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng-thế Ký 1:1); và: “Chúa trải bắc cực ra trên vùng trống, treo trái đất trong khoảng không-không” (Gióp 26:7). Thử hỏi, có người sáng lập tôn giáo nào đã tạo dựng nên trái đất và “treo” nó lơ lửng giữa không gian? Có khoa học gia nào đã tạo nên sức hút cho trái đất? Trước khi khoa học gia Isaac Newton tìm ra định luật “Sức Hút Trái Đất” (Vạn Vật Hấp Dẫn) thì trái táo đã rụng xuống đất rồi. Nếu vũ trụ “tự nhiên” có, thì trái đất sẽ “tự nhiên” quay tứ tung; và nếu trái đất đến gần hay xa mặt trời, chúng ta đều chết cả. Hãy xem con người thật tài giỏi, phát minh những vật dụng mà thú vật không làm được như ti-vi, tủ lạnh, xe hơi, máy bay, máy điện toán.... Loài người tài giỏi như vậy, thì chắc chắn Đấng tạo dựng nên loài người phải tài giỏi hơn nhiều.
 Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng siêu việt. Theo ý muốn của Ngài, Ngài đã tạo dựng nên trời đất, vạn vật. Chính Ngài là nguồn sự sống, nguồn của mọi tạo vật, vì vậy chỉ có một mình Ngài mới xứng hợp với sự vinh hiển, tán tụng, sự tôn thờ. Giả định, có nhiều người cùng cầu xin một điều gì đó với các đấng mình tin, và thấy điều đó xảy ra tốt đẹp, nên hết lòng tôn thờ các đấng ấy. Nhưng thật ra, nếu suy xét cho cùng, ngoài Đức Chúa Trời ra, không ai có quyền năng ban cho điều chúng ta cầu xin, vì mọi người đều là loài thọ tạo, phải sống nhờ vào Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép: “Đức Giê-hô-va rất lớn, đáng được ngợi khen lắm lắm; Ngài đáng kính sợ hơn hết các thần. Vì những thần của các dân đều là hình tượng; còn Đức Giê-hô-va đã dựng nên các từng trời” (Thi-thiên 96:4-5)
Đức Chúa Trời tạo sinh nhân loại và ban thực phẩm 
 Trước tiên, Đức Chúa Trời tạo ra ông A-đam và bà Ê-va, rồi ban “hạt-giống-con-người” để nhân loại tiếp tục sinh sản. Chúng ta biết ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh chúng ta, và chúng ta sinh con cái. Dầu cha mẹ sinh con cái, nhưng không ai sinh theo ý muốn mình được. Kinh Thánh chép: “Chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm” (Thi-thiên 139:13-14). Nếu tự nhiên mà có loài người, thì chắc người nầy có năm đầu, kẻ khác có sáu tay, chứ tại sao lại giống nhau một cách lạ lùng? Đức Chúa Trời cũng tạo nên rau, quả, động vật... và ban cho chúng ta để làm thực phẩm. Ngài phán: “Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ rau xanh” (Sáng-thế Ký 9:3-4). Chúa dạy rằng: “Một con thú hay con chim ăn thịt được, thì phải đổ huyết nó ra, rồi lấy bụi đất lấp lại... Các ngươi không nên ăn huyết của xác thịt nào” (Lê-vi Ký 17:13-14). Đức Chúa Trời là Chủ Tể của muôn loài, vạn vật, vì thế chỉ có Ngài mới có thẩm quyền ban cho hoặc cấm cản. Bởi Chúa đã cho phép ăn thịt, nên khi chúng ta ăn thì không phạm tội. Vì Đức Chúa Trời tạo sinh nhân loại cho nên:
TIN CHÚA KHÔNG PHẢI LÀ BỎ TỔ TIÊN
Đặt niềm tin vào Đức Chúa Trời không phải là theo một tôn giáo, nhưng là quay trở về nguồn cội của con người, tức là trở về với Đấng đã tạo sinh, nuôi sống và cứu chuộc chúng ta. Người tin Chúa vâng lời Chúa dạy không tôn thờ ai khác ngoài Đấng Tạo Hóa. Chúa dạy: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp này, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình-tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3-5). Vì những giới răn này, người Tin Lành thường bị mang tiếng là bất hiếu, bỏ ông bà, tổ tiên, vì không thờ cúng. Thật ra thờ cúng ông bà là một việc, còn bày tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà là việc khác. Nếu ta đã thờ cha mẹ thì phải thờ ông bà; thờ ông bà thì phải thờ nội, ngoại; rồi phải thờ ông bà cố, ông bà sơ, ông bà tổ. Còn phải thờ nhiều đời, mới đến ông bà tiền hiền của dòng họ. Dĩ nhiên ông bà tiền hiền cũng phải có cha mẹ sinh ra.... Nhưng dầu chúng ta có thờ được tất cả cha mẹ, ông bà, tổ tiên đi chăng nữa, mà không tôn thờ Đức Chúa Trời thì cũng không hợp lẽ. Loài người nên tôn thờ Đấng Tạo Hóa Vĩnh Hằng, chứ không nên tôn thờ loài thọ tạo có giới hạn như mình. Chúng ta tôn trọng người ở bậc nhỏ hơn hoặc bằng ta, tôn kính người ở bậc lớn hơn ta, nhưng chỉ tôn thờ Chúa, là Đấng tạo sinh và đang nuôi sống chúng ta. Vì vậy tôn thờ một mình Ngài là hợp lẽ.
Đức Chúa Trời dạy: Phải hiếu kính cha mẹ
Đức Chúa Trời không dạy người tin Chúa bỏ cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Trái lại, lời Chúa dạy chúng ta là phải tôn kính, hiếu thảo với các bậc sinh thành, phải yêu thương mọi người. Điều đầu tiên Chúa dạy, trong các điều răn giữa con người đối với nhau là: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12). Không những vậy, Ngài còn cảnh cáo kẻ bất hiếu: “Ngọn đèn của kẻ rủa cha mẹ mình sẽ tắt giữa vùng tăm tối mờ mịt” (Châm-ngôn 20:20). Tục ngữ Việt Nam có câu: “Sống chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi.” Kinh Thánh cho biết, người đã chết không thể làm gì nữa: “Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm-phủ, là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu kế, cũng chẳng có tri thức, hay là sự khôn ngoan” (Truyền-đạo 9:10). Công tâm mà suy xét, chúng ta cúng kiếng chỉ để thỏa lòng người sống thôi. Hiếu kính lúc ông bà tổ tiên còn sống mới là thực tế. Người tin Chúa tỏ lòng hiếu kính khi ông bà cha mẹ còn sống, yêu thương giúp đỡ anh chị em, giữ gìn tiếng tốt. Khi ông bà cha mẹ qua đời thì lo tang lễ, xây cất mồ mả cho tròn chữ hiếu. Nếu cho rằng phải thờ cúng ông bà tổ tiên mới có hiếu, như vậy công dân của những nước không có tục thờ cúng ông bà tổ tiên đều bất hiếu cả sao? Vậy không thờ lạy ông bà tổ tiên không có nghĩa là bất hiếu.
“Đạo làm con” – “Đạo làm người”
 Trong gia đình, cha mẹ sinh con cái. Phận làm con có hai chiều: Một mặt con cái đối xử với nhau, và mặt kia con cái đối xử với cha mẹ. Nếu con cái hiếu kính cha mẹ mà lại ganh ghét nhau thì cũng không được. Ngược lại, con cái chỉ yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, nhưng bất hiếu với cha mẹ thì cũng không tròn bổn phận làm con. Cũng một lẽ ấy, phận làm người cũng có hai chiều: Một mặt nhân loại đối xử với nhau, và mặt kia nhân loại đối xử với Đấng Tạo Hóa. Ai cũng biết, đã là con người thì cho dầu có tin Đức Chúa Trời đi chăng nữa, chúng ta cũng vẫn bất toàn. Nhưng nếu tôi nói tôi tin Chúa, đi nhà thờ thường xuyên mà lúc nào cũng ganh ghét với người khác, thì sự tôn thờ, sự tin Chúa của tôi là không thật lòng. Ngược lại, nếu tôi theo một tôn giáo nào đó, tu thân, tích đức, yêu thương giúp đỡ con người, nhưng lại không tôn thờ, không biết ơn Đức Chúa Trời, thì tôi cũng chẳng trọn vẹn. Làm lành, lánh dữ, tu thân, tích đức là những điều rất tốt mà đạo giáo nào cũng dạy. Tuy nhiên làm vậy không mà thôi thì chỉ được phương diện “giữa người với người.” Nếu chỉ có vậy, thiết nghĩ chúng ta không cần phải theo một đạo giáo nào cả, vì ông bà cha mẹ cũng dạy con cháu là phải sống cho đạo đức, tốt lành. Nhưng nếu chúng ta giữ đủ hai chiều, “người với người” và “người với Trời,” thì chúng ta đã giữ trọn “đạo làm người.” Kinh Thánh dạy: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình” (Lu-ca 10:27). Chúa cho biết:
CHỈ CÓ CON NGƯỜI MỚI CÓ LINH HỒN
Kinh Thánh bày tỏ, con người có: Linh hồn, tâm hồn, thể xác. Linh hồn là phần thiêng liêng: Để tương giao với Đức Chúa Trời. Tâm hồn gồm có tâm trí, ý chí, và cảm xúc: Để thể hiện tinh thần. Thể xác gồm có 5 giác quan: Để tiếp xúc với thế giới vật chất. Nói một cách đơn giản, con người là một linh hồn, với một tâm hồn, và sống trong một thân xác. Người đầu tiên là A-Đam được tạo sinh như sau: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh (tức là có linh hồn)” (Sáng-thế Ký 2:7). Ngày xưa ông bà ta thường nói: “Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh” (Đức Chúa Trời sinh vạn vật, nhưng chỉ có con người thiêng liêng hơn cả).
SỰ TƯƠNG GIAO GIỮA LOÀI NGƯỜI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ BỊ ĐỔ VỠ
Loài người có linh hồn đến từ Đức Chúa Trời và bởi Ngài, nên có sự tương giao mật thiết với Ngài, như mối liên hệ giữa cha với con. Nhưng mối quan hệ này đã bị cắt đứt, kể từ khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va không vâng phục Đức Chúa Trời. Họ đã không nhận tội, lại còn đổ lỗi cho nhau và cho Chúa. Như Chúa Giê-xu đã ví sánh, sự mất liên hệ giữa loài người với Đức Chúa Trời chẳng khác nào một nhánh nho đã bị cắt lìa khỏi gốc (các nhánh nho tượng trưng cho loài người, gốc nho tượng trưng cho Chúa). Bởi vậy, giờ đây tất cả nhân loại dường như đang đi tìm kiếm một điều gì đó, mà không ai biết rõ, mặc dầu biết rằng đó không phải là tiền tài, danh vọng, vì khi có được chúng, chúng ta cũng không thỏa lòng. Kinh Thánh cho biết điều ấy chính là sự tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời.
Nếu nhân cách hóa các nhánh nho đã bị cắt lìa khỏi gốc. Nhánh này khoe với nhánh kia rằng: “Tôi nhiều hoa, lá hơn anh;” nhánh khác nói: “Tôi được cắm trong bình đẹp, sang hơn của chị;” nhánh nọ bảo: “Tôi sống lâu hơn.” Dầu vậy, tất cả những điều đó cũng chẳng nghĩa lý gì. Điều quang trọng nhất, là các nhánh nho có được ghép trở lại gốc trước khi bị chết khô hay không? Nếu được ghép sau khi đã chết khô thì cũng như không. Loài người cũng vậy, điều cấp bách nhất, là được nối kết trở lại với Nguồn Sự Sống là Đức Chúa Trời trước khi chết; chứ không phải có bao nhiêu vật chất, danh vọng, đẹp sang ở đời này là quang trọng.
 Vì tội lỗi, loài người đã bị cắt lìa khỏi nguồn sự sống là Đức Chúa Trời. Bởi vậy, con người có cố gắng tu thân tích đức, làm lành lánh dữ cách mấy đi chăng nữa, nhưng tất cả đều không trọn vẹn, cuối cùng rồi cũng phải chết. Tuy nhiên, lời Chúa cho biết:
Chết không phải là hết, cũng không phải hóa kiếp, mà là trở về
 Vì linh hồn chúng ta đến từ Đức Chúa Trời, nên cũng bất diệt. Trong tương lai, mọi người dầu đã chết cũng sẽ được Đức Chúa Trời làm cho sống trở lại. Kinh Thánh dạy: “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi” (Giăng 5:28). Con người không luân hồi từ kiếp này qua kiếp nọ, nhưng như người Việt ta có câu: “Sống gởi, thác về.” Tại sao lại dùng chữ “về” cho cái chết? “Về” hàm ý là đã đi ra từ “nơi nào đó,” và chết là trở về “nơi đó.” Kinh Thánh cho biết “nơi đó” chính là Đức Chúa Trời: “Bụi tro (thể xác) trở vào đất y như nguyên cũ, và thần-linh (linh hồn) trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó” (Truyền-đạo 12:7). Linh hồn trở về với Đấng Tạo Hóa, nhưng trở về để bị đoán phạt, hay để được hưởng phước với Đức Chúa Trời mãi mãi, là điều rất quan trọng. Do tội lỗi, mọi người rồi cũng sẽ chết. Chúng ta không thể cứu giúp lẫn nhau vì:
Loài người có giới hạn
  Con người không tự tạo lấy mình mà là được thọ tạo. Do đó, dầu có theo đạo giáo, có tu thân, tích đức, nhưng chúng ta cũng không vì vậy mà tự làm cho tóc trên đầu mình từ đen trở thành trắng hay ngược lại. Ngay lúc này, bạn đang lật từng trang sách để đọc. Đúng là bạn đang điều khiển tay bạn. Cũng trong lúc này tim của bạn đang đập, nhưng bạn có đang tự điều khiển nhịp tim của bạn không? Như mọi người, tôi cũng có giới hạn. Một ngày nào đó tim tôi sẽ ngừng đập. Lúc ấy, dầu có làm lành lánh dữ, có đi nhà thờ, hay có tài giỏi, tôi cũng không thể nào làm cho nó đập lại được. Ngay cả những điều thực tế như vậy mà chúng ta cũng bị giới hạn, huống chi là chuyện tự làm cho mình hoặc cho người khác vào Thiên đàng, là nơi mình không biết rõ, không thấy được và cũng không phải của mình. Vả lại, loài người sống được là nhờ vào thức ăn, nước uống, không khí của Đức Chúa Trời, chứ không phải của đạo giáo. Vì vậy, muốn được ở Thiên đàng, chúng ta cũng phải nhờ vào Đức Chúa Trời, thay vì dựa vào các tiêu chuẩn của đạo giáo hay cá nhân. Hơn nữa, Kinh Thánh bày tỏ rằng: 
NHÂN VÔ THẬP TOÀN
 Nếu phải căn cứ trên tình trạng đạo đức để được vào Thiên đàng, thì chắc chắn nhân loại không một ai đủ tiêu chuẩn cả. Lời Chúa cho biết: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Người Việt ta cũng có những câu như thế: “Nhân vô thập toàn,” hoặc: “Là người chứ đâu phải là thánh.” Tội lỗi là một vấn đề rất ư tế nhị, và khó nói, nhưng đây cũng là vấn đề then chốt. Một khi hiểu được tầm mức nghiêm trọng của tội lỗi, chúng ta sẽ đối diện với sự cứu rỗi một cách quán triệt hơn. 
 Khi nói đến tội lỗi, chúng ta thường nghĩ đến những chuyện kinh khủng như cướp của, giết người. Nhưng lời Chúa dạy: “Mọi sự không công bình đều là tội” (I Giăng 5:17). Phạm tội trong tư tưởng: “Hễ ai ngó đàn bà (hoặc đàn ông) mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội” (Ma-thi-ơ 5:28). Phạm tội qua lời nói: “Môi-miệng nói dối-giả lấy làm gớm-ghiếc cho Đức Giê-hô-va” (Châm-ngôn 12:22). Làm những điều hung dữ, sai quấy dĩ nhiên là phạm tội. Hơn nữa, Kinh Thánh dạy: “Kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội” (Gia-cơ 4:17). Dầu chúng ta không vi phạm tất cả những điều trên, nhưng lại bội nghịch, không tôn thờ, không biết ơn Đức Chúa Trời thì cũng phạm tội. Chẳng khác nào trong gia đình con cái biết yêu thương, giúp đỡ nhau, nhưng lại bội nghịch, không hiếu kính, vô ơn với cha mẹ vậy. Kinh Thánh cho biết: “Cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình.... Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa... họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời!” (Rô-ma 1:18, 21, 25). Nếu người Việt chúng ta rất sợ bị mang tiếng bất hiếu đối với ông bà, cha mẹ sinh ra chúng ta, thì tại sao chúng ta không sợ tội không tôn thờ, vô ơn đối với Đấng đã tạo sinh ra tổ tiên, ông bà, cha mẹ và ngay cả chúng ta? Chúng ta thường cho rằng phạm tội là phạm với nhau, mà không nghĩ đến phạm tội đối với Đức Chúa Trời. Ngày xưa tôi cũng nghĩ như vậy. Giả định, khi tôi tranh giành, ganh ghét với các em tôi, thì không những tôi có lỗi với chúng, mà cũng phạm tội đối với cha mẹ, vì cha mẹ sinh ra chúng tôi. Sau đó dầu tôi có xin lỗi, có đền bù thiệt hại cho các em, nhưng không xin lỗi cha mẹ mà lại đến với ông bà hàng xóm để xin tha tội, thì lẽ dĩ nhiên tôi không được tha. Hơn nữa, tôi lại phạm thêm tội bất hiếu, bội nghịch với cha mẹ tôi, vì không trở về đúng với bậc có thẩm quyền tha tội.
 Cũng vậy, loài người tranh giành, chém giết nhau là phạm lỗi với nhau, và phạm tội với Đức Chúa Trời. Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng có thẩm quyền tha tội, vì Ngài đã tạo sinh ra nhân loại. Nhiều khi chúng ta ý thức rằng mình phạm tội, nhưng lại không trở về cùng Chúa để xin lỗi hầu được tha. Ngược lại, chúng ta lại đến với nhau, đến với đạo giáo này, lý thuyết nọ, hoặc tự tu. Như thế, cho dầu có thật tâm ăn năn, chúng ta cũng không được tha. Kinh Thánh dạy: “Ngoài một mình Đức Chúa Trời, còn có ai tha tội được chăng? (Mác 2:7). Khổng Tử cũng nói: “Hoạch tội ư Thiên vô sở đảo giả” (mắc tội với Trời thì không kêu cầu ở đâu được).
Sự nghiêm trọng của tội lỗi
  Chúng ta thường nghĩ rằng một người mới sinh ra là trong trắng vô tội. Sau đó nếu làm một điều xấu, người đó bị “trừ điểm,” nếu làm một điều tốt, được “cộng điểm.” Đến cuối cuộc đời, ai còn lại công đức thì được lên Thiên đàng, ai còn lại điều xấu thì phải xuống địa ngục. Thật ra Kinh Thánh cho biết tội lỗi đã có từ lúc tổ tiên loài người là ông bà A-đam không vâng phục Đức Chúa Trời. Từ đó, tất cả mọi người đều sinh ra trong tội lỗi. Trước đây, tôi cũng không chấp nhận khi nghe nói tội lỗi di truyền, nhưng sau này Chúa đã mở lòng cho tôi hiểu điều đó qua hình ảnh như sau: Ta lấy giếng nước tượng trưng cho Đức Chúa Trời; gàu nước tượng trưng cho A-đam và Ê-va; các ly tượng trưng cho loài người sinh sản về sau. Vì được múc từ giếng trong lành, nước trong gàu cũng trong lành. Nhưng giả thử gàu nước đã lỡ để thuốc độc cực mạnh (tượng trưng cho tội lỗi) đổ vào. Khi nước đã bị nhiễm thuốc độc được sang từ gàu qua ly, và từ ly này qua ly kia, thì dầu không phải lỗi của các ly, mà lỗi của gàu, các ly cũng bị nhiễm độc. Cũng một lẽ ấy, tất cả chúng ta đều thuộc cùng một phe, đó là “phe tội lỗi,” vì khi sinh ra đã mang tội tổ tông. Khi nói đến tội, chúng ta thường nghĩ đến tội ít hay nhiều, nặng hay nhẹ. Bây giờ giả thử chúng ta để nguyên ly thứ nhất, nhưng nhỏ thêm một giọt thuốc độc vào ly thứ hai, và nhỏ thêm một ngàn giọt vào ly thứ ba. Ba ly nước tượng trưng cho ba người; có người phạm ít tội trên đời, có người phạm nhiều.
Hậu quả của tội lỗi là sự chết.
   Cả nhân loại đều mang cùng một chứng bịnh, đó là “bịnh tội lỗi.”
Các chứng bịnh khác chỉ giết thể xác, nhưng “bịnh tội lỗi” giết cả thể xác lẫn linh hồn vĩnh viễn trong hỏa ngục.
Dẫu chỉ có tội tổ tông mà thôi, chúng ta cũng không được vào Thiên đàng, như ly nước, dầu chỉ bị nhiễm thuốc độc từ gàu, cũng không được đổ trở lại giếng. Đã có tội, ắt phải chịu hậu quả, lời Chúa cho biết: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12). Khi nói đến sự chết, chúng ta cứ nghĩ rằng tắt thở mới gọi là chết, và chết là hết. Tuy vậy, lời Chúa dạy sự chết gồm có ba giai đoạn:
1- Chết tâm linh là bị ngăn cách với Đức Chúa Trời. A-đam và Ê-va phạm tội nhưng lại không ăn năn, nên bị tách ra khỏi sự hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời: “Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn (Ê-đen)” (Sáng-thế Ký 3:24). Từ đó loài người không còn nhìn thấy Ngài nữa: “Ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi” (Ê-sai 59:2).
2- Chết thể xác là tắt thở. Vì tội lỗi, thể xác chúng ta cũng sẽ chết. Khi A-đam và Ê-va phạm tội, lời Chúa phán: “Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra, vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế Ký 3:19).
3- Chết đời đời là bị ngăn cách vĩnh viễn với Đức Chúa Trời. Sự chết kinh khủng nhất là chết đời đời. Kinh Thánh cho biết, dầu thể xác con người bị chết vì tội lỗi, nhưng đến ngày cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ làm mọi người sống lại và bị xét xử. Ai đã khước từ sự cứu rỗi Chúa ban cho thì sẽ bị ngăn cách khỏi Ngài vĩnh viễn. Đó gọi là sự chết đời đời. Trong ngày phán xét, Ngài phán rằng: “Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỷ và những quỷ sứ nó.... Rồi những kẻ này sẽ vào hình phạt đời đời” (Ma-thi-ơ 25:41, 46). Lúc mới tin Chúa, khi đọc đến những chỗ nói về người chết (thể xác) sẽ được sống lại, tôi cho rằng Kinh Thánh viết truyện hoang đường. Về sau, Chúa cho tôi hiểu được điều đó qua hình ảnh của một lon nước: Khi uống xong, lon bị đạp xẹp và vứt bỏ. Nhưng nếu được đưa vào máy tái tạo (recycle), nó sẽ trở thành một lon mới. Nhân loại còn có thể tái tạo vật mình làm ra, thì việc Đức Chúa Trời làm cho người chết sống lại rất dễ dàng. Đã có tội thì chúng ta không thể nào dùng công đức, bác ái để “đổi chác” được, vì:
ĐỨC CHÚA TRỜI: THƯƠNG XÓT VÀ CÔNG BÌNH
    Kinh Thánh bày tỏ bản tánh Đức Chúa Trời là yêu thương: “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ” (Thi-thiên 103:8). Dầu chúng ta tội lỗi xấu xa, Ngài vẫn yêu chúng ta và không muốn hình phạt. Nhưng mặt khác, vì là Đấng công bình, thánh khiết, cho nên Ngài phải trừng phạt. Kinh Thánh dạy: “Đức Giê-hô-va, Ngài là công bình, sự đoán xét của Ngài là ngay thẳng” (Thi-thiên 119:137). Người Việt có những câu như: “Ông Trời có mắt,” “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng không ai lọt,” và: “Gieo gió, gặt bão.” Những câu này cũng nói lên quan niệm chung của người Việt rằng, dầu có nhiều đạo giáo, nhưng những tổ chức đó không thể bắt phạt chúng ta. Chỉ có ông Trời mới biết, và có quyền xét xử. Kinh Thánh dạy: “Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại” (Hê-bơ-rơ 4:13). Đức Chúa Trời công bình nên Ngài: “Chẳng kể kẻ có tội là vô tội” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:7). Giả định, bạn là vị quan tòa công bình, chánh trực, nhưng các con của bạn lại là những phạm nhân, được đưa trước mặt bạn, để chịu án tử hình. Bạn sẽ làm gì? Nếu bạn không tìm cách cứu con, để chúng phải chết, thì bạn không phải là người cha yêu thương. Còn bạn không phạt con, hoặc phạt đứa này mà tha đứa kia, thì bạn chẳng phải là quan án công bình. Thật khó cho bạn phải không? Nhưng đối với Đức Chúa Trời thì: “Không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được” (Lu-ca 1:37).
GIẢI PHÁP CHÚA GIÊ-XU
 Để thực hiện được sự công bình và yêu thương, Đức Chúa Trời có một giải pháp tuyệt diệu qua Chúa Cứu-thế Giê-xu. (Con người là loài thọ tạo, do đó không thể tự hiểu biết Đấng Tạo Hóa huyền nhiệm. Bởi vậy chúng ta chỉ có thể hiểu biết phần nào về Đức Chúa Trời đã được chính Ngài bày tỏ trong Kinh Thánh mà thôi. Chúng ta gặp những từ như Cha, Con, và Thánh Linh để nói về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh bày tỏ: Đấng hoạch định chương trình cứu chuộc là Đức Chúa Cha. Đấng giáng sinh, thực hiện chương trình cứu chuộc là Đức Chúa Con hay là Chúa Giê-xu. Đấng ở cùng loài người để soi sáng, hầu chúng ta hiểu được sự cứu chuộc và ở trong người tín đồ để dạy dỗ, biến đổi đời sống họ là Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời có Ba Ngôi vị: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Các Ngôi vị có công tác khác nhau để hướng về cùng một mục đích là cứu chuộc nhân loại. Tuy có Ba Ngôi vị, nhưng là một Đức Chúa Trời, Ba Ngôi hiệp một Chân Thần). Nói về Chúa Giê-xu, Kinh Thánh dạy rằng:
Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời trong thân xác Con Người
   Chúa Giê-xu là Đấng Tạo Hóa. Chính Ngài đã tạo dựng và đang bảo tồn muôn loài, vạn vật: “Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được.... Muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị... đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả. Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài” (Cô-lô-se 1:15-17); “Chúa Cứu-thế, là Đấng trên hết mọi sự, tức là Đức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời” (Rô-ma 9:5). Chúa Giê-xu xác nhận: “Ta từ trên trời xuống” (Giăng 6:38), “Ta với Cha là một” (Giăng 10:30). Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa Trời là Thần” (Giăng 4:24), mà “Thần thì không có thịt xương” (Lu-ca 24:39). Nhưng vì nhân loại được giới hạn trong thể xác, nên Chúa Giê-xu phải tự giới hạn vào trong thân xác như chúng ta để cứu chuộc chúng ta. Tuy nhiên thân xác mà Chúa Giê-xu mang vào rất đặc biệt và duy nhất. Kinh Thánh bày tỏ trinh nữ Ma-ri thụ thai Chúa Giê-xu bởi quyền năng của Chúa, không phải do sự kết hợp của con người: “Thiên sứ bèn nói rằng: Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Giê-xu.... Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất-Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời.... Ma-ri thưa rằng: Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” (Lu-ca 1:30-38).
Sự giáng sinh của Chúa Giê-xu rất quan trọng, đã trở thành điểm mốc phân chia lịch sử nhân loại thành hai thời kỳ: Lịch sử nhân loại trước Chúa giáng sinh (BC), và sau Chúa giáng sinh (AD). Tây-lịch (Dương-lịch) đã tính năm thứ nhất là thời điểm Chúa giáng sinh. Giả thử, bạn viết thư và ghi năm 2009, tức là 2009 năm sau điểm mốc Chúa Giê-xu giáng thế thư này mới có. Kinh Thánh thuật lại rất nhiều phép lạ mà Chúa Giê-xu đã làm trên thế gian. Ngài có quyền trên thiên nhiên như: Dẹp yên bão tố, đi bộ trên mặt nước (Ma-thi-ơ 8:23-27; 14:22-33). Ngài có quyền trên thân thể con người như: Chữa lành bệnh tật, làm cho người chết sống lại (Ma-thi-ơ 9:1-35; Giăng 11:1-45). Ngài có quyền trên tà linh như: Đuổi ma quỷ ra khỏi con người (Mác 5:1-20; 9:14-27). Ngài có quyền trên vật chất như: Hóa bánh, cá ra nhiều (Lu-ca 9:10-17). Những phép lạ trên bày tỏ Chúa Giê-xu phải là Đức Chúa Trời. Loài người sinh ra để sống, nhưng Chúa Giê-xu giáng sinh với một mục đích đặc biệt là để chết thế. 
Mục đích Chúa Giê-xu Giáng Sinh
    Vì luật pháp của Đức Chúa Trời đã ấn định rằng: “Công giá của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Cho nên, bởi tình yêu thương, Chúa Giê-xu đã giáng trần, chịu chết thế để cứu chuộc chúng ta, Kinh Thánh dạy: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Chúa Cứu-thế vì chúng ta chịu chết.” (Rô-ma 5:8); “Chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa” (I Giăng 2:2). Nhờ Ngài, chúng ta được tha tội: “Ấy là trong Chúa Cứu-thế, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài” (Ê-phê-sô 1:7). Sự chuộc tội của Chúa Cứu-thế Giê-xu đó là “sự việc” mà tôi đã giới thiệu ở phần đầu. Ấy chính là điều Đức Chúa Trời đã sắm sẵn để giải cứu nhân loại vô vọng.
    Chúng ta phải nhớ rằng những ví dụ trong đời sống để minh họa cho vấn đề tâm linh không thể nào hoàn hảo được. Dầu vậy, hy vọng ví dụ trong sách nầy có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào về sự cứu rỗi. Chắc bạn còn nhớ ví dụ về người cha, một mặt yêu thương các con, nhưng đồng thời cũng là vị quan tòa công bình. Người cha đó tượng trưng cho Đức Chúa Giê-xu; và các con tượng trưng cho nhân loại đã phạm tội đang bị án tử hình. Phải trừng phạt con mình, nhưng vị quan tòa có một phương pháp tuyệt diệu để cứu các con. Đó là ông cởi áo quan, và chịu chết thay cho các con. Đây là hình ảnh nói lên việc Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời đã trở thành Con Người, và chịu chết thay thế cho chúng ta. Kinh Thánh bày tỏ: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:6-8). 
Sự phục sinh của Chúa Giê-xu
 Dầu phải chịu chết trên thập tự giá để thế chỗ cho chúng ta, nhưng Chúa Giê-xu đã không chết luôn. Ba ngày sau đó, Ngài đã từ cõi chết sống lại, và đến với các môn đồ, Kinh Thánh chép: “Vả, lúc Đức Chúa Giê-xu đến, thì Thô-ma... là một người trong mười hai sứ đồ, không có ở đó.... Các môn đồ khác nói với người rằng: Chúng ta đã thấy Chúa. Nhưng người trả lời rằng: Nếu ta không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu ta không đặt ngón tay vào chỗ dấu đinh, và nếu ta không đặt bàn tay nơi sườn Ngài (chỗ bị giáo đâm) thì ta không tin. Cách tám ngày các môn đồ lại nhóm nhau trong nhà.... Đức Chúa Giê-xu đến.... Ngài phán cùng Thô-ma rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin! Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi! Đức Chúa Giê-xu phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Giăng 20:24-29). “Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy” (I Cô-rinh-tô 15:6).
Trong suốt thời gian theo Ngài, các môn đồ đã chứng kiến Chúa Giê-xu thực hiện rất nhiều phép lạ. Nhưng họ vẫn chưa biết Ngài là Đức Chúa Trời, cho đến khi Ngài chiến thắng tử thần. Sự phục sinh của Ngài đã làm thay đổi hẳn quan niệm sống của các môn đồ. Trước đó họ sợ sệt, nhưng bây giờ họ sẵn sàng trả giá cho niềm tin của mình, dầu phải chịu bao bách hại. Sự sống lại của Chúa Giê-xu đã chứng minh rằng chỉ có Ngài mới cứu được người khác, vì chẳng ai có thể tự mình sống lại. Đối với những người không thể tự mình sống lại như chúng ta, tự cứu lấy mình còn không được, huống chi đến việc cứu người khác?
Sự thăng thiên và tái lâm của Chúa Giê-xu
 Sau khi Chúa Giê-xu hoàn thành công tác chịu chết để cứu chuộc nhân loại, có nhiều người thấy Ngài còn ở trên trần gian thêm 40 ngày. Rồi Ngài trở về trời, để ban Đức Thánh Linh đến, như lời Ngài từng phán: “Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Đấng Yên-ủi sẽ không đến” (Giăng 16:7). “Đấng Yên-ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng 14:26).
Trong tương lai, Chúa Giê-xu sẽ trở lại thế gian để đem những người đã tiếp nhận Ngài về Thiên đàng. Chúa Giê-xu bảo: “Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:2-3). Kinh Thánh dạy: “Giê-xu nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy” (Công-vụ Các Sứ-đồ 1:11). Lúc ấy mọi người sẽ trông thấy Ngài: “Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy” (Khải-huyền 1:7). Câu nầy có thể là khó hiểu đối với những người thời bấy giờ. Nhưng ngày nay với những phát minh của khoa học như ti-vi, máy vi tính, điện thoại di động, vệ tinh truyền hình trực tiếp... mọi mắt sẽ trông thấy Ngài khi Chúa đến. Khi Chúa Giê-xu trở lại, Ngài sẽ làm cho người chết sống lại: “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi” (Giăng 5:28). Rồi mọi người sẽ đối diện với Chúa để bị xét xử, giống như một phiên tòa.
Quang cảnh ngày phán xét
   Kinh Thánh dạy, quyền thi hành sự phán xét thuộc về Chúa Cứu-thế Giê-xu, vì chính Ngài là Đức Chúa Trời. Ngoài Ngài ra, không một ai có quyền đó: “Cha đã ban quyền thi hành sự phán xét cho Con (Chúa Giê-xu)” (Giăng 5:27). Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho sứ đồ Giăng thấy trước một phần quang cảnh của ngày phán xét như sau: “Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đương ngồi ở trên.... Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình chứa, Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn Sự chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa” (Khải-huyền 20:11-15). Đó là hình ảnh tuyệt vọng của những người đã khước từ ơn cứu rỗi.
    Khi sự phán xét cuối cùng đã xong, đây là hình ảnh tuyệt đẹp của những người đã bằng lòng tin nhận sự cứu chuộc: “Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: Nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa.... Đấng ngự trên ngôi phán rằng: “Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật. Đoạn, lại rằng: Hãy chép; vì những lời nầy đều trung tín và chân thật” (Khải-huyền 21:3-5).
Tin Lành về Chúa Giê-xu
 Đức Chúa Giê-xu không phải là nhà hiền triết, cũng không phải là một vị giáo chủ thành lập “đạo Chúa.” Ngài chính là Đức Chúa Trời đã giáng sinh làm người, và sống một cuộc đời hoàn hảo. Ngài đã làm nhiều dấu kỳ phép lạ để tỏ mình là Đức Chúa Trời, sau đó Ngài chịu chết để cứu chuộc chúng ta, bằng cách mang tất cả tội lỗi của nhân loại trên thập tự giá. Chúa Giê-xu cũng đã chiến thắng sự chết. Sự sống lại của Ngài chứng tỏ rằng Ngài là Đức Chúa Trời, bởi đó Ngài mới cứu nhân loại được. Chắc bạn đã nghe hai chữ “Tin Lành.” Mặc dầu có sự tổ chức, nhưng Tin Lành không phải là một tôn giáo để khuyến khích người tín đồ làm lành lánh dữ. Tin Lành thật ra có nghĩa là một tin tốt, tin vui, về tình yêu của Thiên Chúa ban cho nhân loại vô vọng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài (tức là Chúa Giê-xu), hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Chúa Giê-xu chính là Tin Lành. Đây là tin tức mà thiên sứ đã đến báo tin hơn hai ngàn năm trước, không những chỉ cho các mục đồng, nhưng cho mọi người trên thế giới: “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:10-11). Sứ đồ Phao-lô tuyên bố: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16). Chúa Cứu-thế Giê-xu đã hoàn thành sự cứu chuộc cho nhân loại. Chúng ta tiếp nhận ơn cứu rỗi này bởi:
ĐỨC TIN
Trong ví dụ của vị quan tòa chịu chết thay cho các con, người cha đã làm xong phần của mình, tức là bày tỏ tình thương, cung ứng một phương pháp để giải cứu các con. Phần còn lại tùy thuộc vào cách mỗi người con đáp ứng lại với tình thương và sự giải cứu của cha. Cũng vậy, mặc dầu Chúa Cứu-thế Giê-xu đã chết để cứu chuộc nhân loại, nhưng không vì vậy mà mọi người đều tự động được cứu. Chúng ta phải tin nơi Ngài. Vậy “tin” để được cứu có nghĩa như thế nào? Giả định, người con thứ nhất nói rằng mình không có tội. Dĩ nhiên, không vì nhờ nói như thế mà được tha. Cũng như vậy, dầu tôi có tin Chúa, có đi nhà thờ suốt đời mà tự cho rằng mình không có tội, tin như vậy tôi cũng không được cứu. Lời Chúa cho biết: “Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta” (I Giăng 1:10).
Người con thứ hai lại cho rằng, phạm tội thì chỉ cần xin lỗi là đủ. Dĩ nhiên không vì nói hai chữ “xin lỗi” mà được tha. Cũng vậy, nếu tôi nghĩ rằng từ thứ hai tới thứ sáu tôi cứ phạm tội. Đến thứ bảy hay Chúa nhật tôi đi nhà thờ xưng tội là xong chuyện, rồi lại cứ tiếp tục phạm tội. Con người còn không tha thứ được thái độ như vậy, huống chi Đức Chúa Trời, là Đấng công bình, thánh khiết. Lời Chúa chép: “Ví bằng chúng ta nói mình được giao thông với Ngài (tức là đã tin Ngài), mà còn đi trong sự tối tăm (vẫn tiếp tục phạm tội), ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật” (I Giăng 1:6). Đức tin nơi hai chữ “xin lỗi” không phải là đức tin cứu rỗi.
Người con thứ ba nhận mình có tội, nhưng lại dùng những việc như sơn sửa nhà cửa cho cha, giúp đỡ các em... để được tha tội, dĩ nhiên là không được. Cũng một lẽ ấy, tôi biết mình có tội, nhưng lại tìm đủ mọi cách như xây nhà thờ, dựng cơ sở tôn giáo, giúp trẻ mồ côi... để đền bù và để được cứu rỗi. Mặc dầu yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau là điều tốt, nên làm và phải làm, nhưng sự chuộc tội phải đến từ lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không do công đức của nhân loại. Kinh Thánh dạy: “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8-9). Chẳng khác nào, cha mẹ cho các con ăn cơm là do tình yêu thương của cha mẹ, chứ không do sự ngoan ngoãn hay công lao của các con. Đức tin dựa vào công đức, việc từ thiện cũng không phải là đức tin cứu rỗi.
Người con thứ tư nhận mình có tội, biết cha thương và đã hy sinh để cứu mình, nhưng lại nghĩ rằng chính mình cũng cần phải đền tội, hoặc phải làm cho sạch tội, và cần phải có nhiều việc làm tốt để thêm vào với sự giải cứu của cha thì mới được cứu, dĩ nhiên cũng không được. Tương tự như vậy, tôi có thể biết Chúa Giê-xu đã chết thay cho tôi, nhưng lại nghĩ rằng sự chết thế ấy không đủ, nên tôi cần phải cộng thêm vào nhiều công đức mới được cứu. Nhưng nếu chúng ta có thể luyện tội, hay đền tội, hoặc phải nhờ nhiều người cầu thay cho mình để được cứu. Vậy thì Chúa Giê-xu đâu cần phải chết thế cho chúng ta? Sứ đồ Phao-lô khẳng định: “Tôi không muốn làm cho ân điển Đức Chúa Trời ra vô ích; vì nếu bởi luật pháp (dạy chúng ta không được làm điều này hoặc phải làm điều nọ) mà được sự công bình, thì Chúa Cứu-thế chịu chết là vô ích” (Ga-la-ti 2:21). “Vì nếu Ngài đã chết, ấy là chết cho tội lỗi một lần đủ cả” (Rô-ma 6:10). Chúng ta không thể thêm bớt điều gì vào sự cứu chuộc của Ngài: “Bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-xu” (Rô-ma 3:24). Đức tin cộng với việc làm như thế này cũng không phải là đức tin cứu rỗi.
Chỉ có người con thứ năm được cứu, vì nhận mình là người có tội và bằng lòng nhận sự cứu chuộc của cha cho mình. Cũng một lẽ ấy, chỉ có ai ăn năn tội lỗi của mình, quay trở về với Đức Chúa Trời và nhận sự chết thay của Chúa Giê-xu cho chính mình thì mới được cứu. Vì bản án của tội lỗi là hình phạt đời đời nơi hỏa ngục, nên chúng ta không thể làm bất cứ điều gì để tự cứu được, ngoại trừ nhận sự chuộc tội của Chúa đã ban cho mình. Kinh Thánh dạy: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Chúa Cứu-thế Giê-xu, là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia... và xưng công bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Giê-xu” (Rô-ma 3:23-26). Bạn thấy đó! Không phải chỉ tin có Chúa Giê-xu chết thay cho tội lỗi của mình và đã sống lại là đủ để được tha tội, được cứu rỗi, nhưng chúng ta cũng cần tiếp nhận sự chết thế ấy.
Hãy nhớ rằng, nếu thể xác chúng ta sống được là nhờ Đức Chúa Trời, thì vấn đề tâm linh cũng vậy. Dầu không khí được ban cho để nhân loại sống, muốn sống chúng ta cần phải nhận (hít thở) không khí. Cũng vậy, dầu sự chuộc tội được ban trong Chúa Cứu-thế Giê-xu, muốn được cứu chúng ta cần phải tin nhận Ngài. “Trời sinh voi, sinh cỏ,” nhưng nếu voi không ăn cỏ thì voi không thể trách được Trời không thương voi. Kinh Thánh dạy: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại,” nên Ngài muốn giải cứu chúng ta, chứ không như một số người lầm tưởng rằng người ta xuống hỏa ngục chỉ vì:
ĐỊNH MỆNH
 Thưa bạn! Một số người thường nghĩ rằng tất cả mọi việc xảy ra cho chúng ta đều do Trời định sẵn cả, cho nên có muốn được lên Thiên đàng hay xuống địa ngục chúng ta cũng không có quyền lựa chọn. Kinh Thánh cho biết, có nhiều điều xảy ra là do toàn quyền ấn định của Đức Chúa Trời, như sự ra đời, nơi cư ngụ, ngày sinh, ngày tử... của mỗi người. Lời Chúa chép: “Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi.... Số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy” (Thi-thiên 139:13,16); “Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở” (Công-vụ Các Sứ-đồ 17:26).
Tuy vậy, có một số điều khác Chúa định, nhưng đồng thời Ngài cũng ban cho loài người được quyền tự quyết. Như trong vấn đề cứu rỗi, Kinh Thánh bày tỏ rằng: “Vì tình yêu thương” mà Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại Chúa Cứu-thế Giê-xu để cứu chuộc chúng ta. Đây là sự định trước của Đức Chúa Trời, bởi ân điển của Ngài, chứ không do ý muốn hay sự xứng đáng của nhân loại. Dầu vậy, Kinh Thánh cho biết rằng, Ngài cũng ban cho chúng ta quyền tự do, để mỗi cá nhân có quyền tự quyết. Chẳng hạn, Chúa dạy: “Ngươi chớ giết người” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13), hoặc: “Cớ sao ngươi chết trước kỳ định?” (Truyền-đạo 7:17). Nhưng tôi vẫn có quyền tự quyết để không vâng lời, cầm dao đâm người khác chết, hoặc tự tử.
Ngày xưa nơi vườn Địa-đàng (Ê-đen) phước hạnh, A-đam và Ê-va đã dùng quyền tự quyết của mình để không vâng lời Chúa mà ăn trái cấm, họ cũng không ăn năn tội lỗi. Bởi đó nhân loại mới có sự chết. Ngày nay Đức Chúa Trời cũng ban cho chúng ta quyền tự quyết về số phận đời đời của mình. Chúa phán: “Hễ ai tin Con ấy” và “đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” thì sẽ được cứu. Một khi chúng ta đã dùng quyền tự quyết, chúng ta phải chấp nhận hậu quả hay kết quả của nó. Nếu tôi khước từ ơn cứu rỗi của Chúa, dĩ nhiên tôi sẽ không được cứu. Đó là quyền tự quyết của tôi, chứ Đức Chúa Trời không muốn tôi bị hình phạt đời đời. Kinh Thánh bày tỏ: “Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Chúa Cứu-thế Giê-xu” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:9). Hiện thời Ngài đang chờ đợi để mỗi người nhận sự ban cho tuyệt diệu này, hầu được tha tội và được cứu rỗi. Kinh Thánh dạy: “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (II Phi-e-rơ 3:9). Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta ăn năn, tin nhận Chúa Giê-xu để được cứu. Vậy, được cứu phải là:
MỤC ĐÍCH CHÍNH CỦA CHÚNG TA TRÊN ĐỜI NÀY
 Bạn thân mến, sau khi phạm tội mà không ăn năn, Ađam và Eva chẳng khác nào như đã bị rơi giữa biển khơi. Từ đó, con cháu của ông bà cũng chẳng được ở trên bờ. Lênh đênh trên mặt nước, mỗi người chúng ta suy nghĩ, hành động khác nhau. Có người cố gắng vớt lấy của cải cho mình; có kẻ tranh giành địa vị, danh vọng; người thì cố gắng giúp đỡ kẻ khác, dạy bơi kiểu này hay kiểu nọ. Nhưng tất cả những điều đó không phải là mục đích chính của đời sống chúng ta. Mục đích đó phải là tìm cách lên một chiếc thuyền để khỏi bị chết đuối. Sau khi được cứu thoát, chúng ta phải sống với lòng biết ơn, hy sinh phục vụ trong chiếc thuyền đó, và kêu gọi người khác cũng mau lên thuyền để được sống. Trong đời sống chúng ta, những ngày vui vẻ thì dường như rất ngắn, còn những ngày buồn đau lại cảm thấy dài lê thê. Nhưng dầu thế nào đi chăng nữa, tất cả chúng ta rồi cũng phải chết. Trên thực tế, cứ mỗi giây đồng hồ trôi qua là sự sống của ta ngắn lại, chúng ta càng gần với cái chết thêm. Như Hàn Mặc Tử rên xiết, tuyệt vọng trong “Trút Linh Hồn”: “... Ta còn trìu mến biết bao người Vẻ đẹp xa hoa của một trời Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng, Ôi! giờ hấp hối sắp chia phôi!...” Sự chết không miễn trừ một ai. Dù chúng ta tránh, không muốn nhắc đến, nó cũng đến. Bởi vậy, trở về với nguồn cội trước khi thân xác trở về cát bụi phải là mục đích quan trọng nhất trên đời này. Vì tội lỗi, loài người chỉ sống tạm trên đời này trong một khoảng thời gian ngắn. Đây là thời hạn mà Đức Chúa Trời ban cho mỗi người, để chúng ta ăn năn quay trở về và nhận sự cứu chuộc của Ngài, ngõ hầu thoát khỏi hình phạt đời đời. Mục đích của đời sống trên trần gian này không phải để chúng ta tìm kiếm danh lợi, tích lũy vật chất.... Lời Chúa dạy: “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26).
LỜI KẾT
Bạn ơi! Đời người còn lại gì sau khi miếng đất cuối cùng được đắp trên quan tài, và cành hoa sau rốt được đặt xuống? Rồi mọi người cũng lần lượt quay gót. Lúc ấy đời người giống như bài hát “Trở Về Cát Bụi”: “... Này nhà lớn, lầu vàng son Này lợi danh, chức quyền cao sang Có nghĩa gì đâu... sao chắc bền lâu Như nước trôi qua cầu Này lời hứa... này thủy chung Này tình yêu... chót lưỡi đầu môi Cũng thế mà thôi Sẽ mất ngày mai, như áng mây cuối trời Sống trên đời này tựa phù du có đây rồi lại mất. Cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen Nào người sang giàu đừng vì tham tiền bỏ nghĩa anh em Người ơi xin nhớ cát bụi là ta… mai này chóng phai Người nhớ cho ta là cát bụi trở về cát bụi Xin người nhớ cho.” Mọi sự trên đời này đều sẽ để lại thế gian, kể cả thân xác rồi cũng để lại dưới nấm mồ đơn lạnh. Nhưng về sau chúng ta sẽ phải đối diện với Đức Chúa Trời để bị xét xử. Tôn giáo chẳng cứu được chúng ta; tu thân, tích đức chẳng giúp được mình.
Ai sẽ cứu chúng ta khỏi sự tuyệt vọng này? Vì loài thọ tạo không tự tạo thì không thể tự cứu. Như xe hơi không thể tự sửa, hay sửa cho nhau; chính loài người tạo nên xe mới sửa được cho xe. Cũng vậy, nhân loại không thể tự cứu hoặc cứu cho nhau; chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng sinh được, dưỡng được, cứu được mà thôi. Kinh Thánh (Sáng-thế Ký 6:8-8:22) cho biết, thuở xưa trong thời Cựu Ước, trước cơn đại hồng thủy, bởi tình yêu thương, Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại chiếc “tàu Nô-ê” được đóng bằng gỗ để cứu con người thoát khỏi chết trong cơn nước lụt vĩ đại này. Tuy vậy, chỉ có gia đình ông Nô-ê được cứu, vì họ đã vâng lời Chúa mà vào trong tàu. Hôm nay cũng vậy, trước ngày phán xét (chung thẩm) xảy đến, bởi ân điển, Đức Chúa Trời cũng đã ban cho nhân loại Đức Chúa Giê-xu để cứu chuộc chúng ta. Chẳng khác nào Ngài ban cho nhân loại một chiếc khác gọi là “Thuyền Yêu Thương” được đóng bằng chính thân xác và dòng máu của Chúa Giê-xu. Ra khơi từ Thiên đàng tuyệt vời, “Thuyền Yêu Thương” đến với chúng ta trong biển đời tuyệt vọng, để cứu vớt chúng ta từ biển chết tâm linh, vượt khỏi biển chết đời đời và đưa ta về bến bờ Thiên đàng vĩnh sinh, phước hạnh. Nhờ đó chúng ta được hòa thuận cùng Đức Chúa Trời và được sống đời đời với Ngài, là Nguồn Sự Sống và là Cha Yêu Thương của chúng ta. Nhưng chỉ những ai vâng lời Chúa vào “Thuyền” thì mới được cứu.
Chỉ có một chiếc “Thuyền Yêu Thương” đem chúng ta từ sự chết đến sự sống mà thôi, đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Kinh Thánh cho biết, ngoài Chúa Giê-xu ra, Đức Chúa Trời không ban Đấng nào khác để cứu nhân loại. Lời Chúa dạy: “Chỉ có một Đấng trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Chúa Cứu Thế Giê-xu... Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người.” (I Ti-mô-thê 2:5-6). Kinh Thánh quả quyết rằng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công-vụ Các Sứ-đồ 4:12). Chúa đang mời gọi bạn: “Này, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy” (Khải-huyền 3:20). Ngài đang nói về “cánh cửa lòng” của bạn. Nơi vườn Địa-đàng ngày xưa, “cánh cửa lòng” của loài người đã khép kín với Cha Thiên Thượng. Tuy vậy, vì tình yêu thương, Chúa Giê-xu đã đến để mở “con đường” mới cho bạn trở về nơi phước hạnh. Chính Chúa Giê-xu đã tuyên bố: “Ta là Đường Đi, Chân Lý, và Sự Sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Hãy quay trở về với Đức Chúa Trời để làm hòa với Ngài. Cha Thiên Thượng đang mở rộng vòng tay yêu thương chờ đón bạn đó.
    Bạn ạ! Được cứu vào Thiên đàng là điều rất quan trọng. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là được nối kết lại mối tương giao đã bị cắt đứt với Đức Chúa Trời, được phục hồi địa vị làm con. Còn gì vinh hạnh hơn khi được gọi Đức Chúa Trời là Cha, bạn nhỉ? Kinh thánh dạy cách nhận sự cứu rỗi như sau: “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-xu ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình (không kể là tội nhân nữa), còn bởi miệng làm chứng (xưng nhận) mà được sự cứu rỗi” (Rô-ma 10:9-10). Nếu bạn nghĩ rằng bạn tin Chúa Cứu-thế Giê-xu nhưng chỉ để trong lòng, miễn là bạn và Đức Chúa Trời biết là được, thì chưa đủ, vì lời Chúa bảo bạn phải xưng ra bởi môi miệng (lời nói). Chúa kêu gọi: “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!” (II Cô-rinh-tô 6:2). Mong bạn hãy đáp lại lời mời gọi của Ngài hôm nay.
    Đức Chúa Trời là Thần, nên dầu chúng ta ở đâu, Ngài cũng thấy và biết tấm lòng chúng ta. Vậy nếu bạn được Đức Chúa Trời cảm động muốn trở về cùng Ngài, xin bạn hãy thành tâm thưa với Ngài những lời tương tự như sau:
     Kính lạy Đức Chúa Trời! Con tên là ___. Con tin rằng Chúa đã tạo sinh ra vạn vật vũ trụ, tạo sinh ra con và ban cho con đồ ăn, nước uống, không khí để sống. Con cảm ơn Chúa đã ban Chúa Cứu-thế Giê-xu xuống trần chịu chết thay để cứu chuộc nhân loại. Ngay giờ phút này, con xin nhận rằng con là người có tội với Ngài. Con bằng lòng tin và nhận Chúa Cứu-thế Giê-xu đã gánh tội lỗi của con và chịu chết thay cho con. Xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi của con. Con mời Chúa ngự vào, làm chủ lòng con. Xin Chúa hướng dẫn con trong cuộc đời còn lại của con, để con sống làm đẹp lòng Chúa. Con thành tâm cầu nguyện, nhân danh Đức Chúa Giê-xu. Amen! (chữ Amen có nghĩa: Ước mong được như vậy).
    Nếu bạn vừa mới cầu nguyện tin nhận Chúa như trên, Chúa Giê-xu cho biết: “Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn” (Lu-ca 15:7). Cả Thiên đàng vui mừng, và tôi cũng rất vui mừng, hân hoan chào đón bạn quay trở về nhà của Đức Chúa Trời. Ngài là Cha Thiên Thượng, và chúng ta là anh chị em với nhau. Nguyện xin Cha ban đức tin cho bạn càng ngày càng vững chắc hơn.
SAU KHI TIN NHẬN
 Khi một người thật lòng ăn năn, tin nhận Chúa thì được Chúa Giê-xu bảo đảm: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ ai tin thì được sự sống đời đời.” (Giăng 6:47). Lời Chúa khẳng định: “Hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng nầy về Ngài rằng hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài” (Công-vụ Các Sứ-đồ 10:43). Nhưng tại sao chúng ta cần phải đi nhà thờ? Chúa dạy: “Chớ bỏ sự nhóm lại” (tức là chớ bỏ sự “đi nhà thờ,”) (Hê-bơ-rơ 10:25) “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8).Chúng ta đến nhà thờ không phải để được cứu rỗi, nhưng là vâng lời Chúa dạy; đến để có mối tương giao với anh chị em tín hữu và nâng đỡ lẫn nhau trong niềm tin; để cùng nhau thờ phượng Chúa, học hỏi lời Ngài, hầu cho đức tin được tăng trưởng. Dầu đã tin Chúa, cuộc sống vẫn có những lúc lao đao. Nếu đức tin không tăng trưởng, khi gặp những lúc sóng gió, niềm tin chúng ta dễ bị lung lạc. Khi đến nhà thờ có thể chúng ta sẽ gặp những người vẫn còn tính tình không tốt, nhưng không vì vậy mà chúng ta không đến. Thật ra, nhà thờ không phải là nơi dành cho người toàn hảo, nhưng là nơi dành cho người có tội lỗi đã được Đức Chúa Trời tha thứ, và họ ước muốn càng ngày càng trở nên thánh thiện hơn.
Kinh Thánh cho biết: “Hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12). Đã là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta không phải lo sợ về các lời đã thề nguyền với các thần tượng, với các sự thờ cúng trước đây. Trước kia, chính tôi đã từng tụng niệm những câu kinh có mang các lời thề nguyền, đã từng đến chùa Miên nhờ thầy cúng để phó mình cho các thần tượng, trong người tôi lúc nào cũng đeo bùa ngải. Một vài tuần sau khi tin nhận Chúa, tôi hơi sợ, vì không còn thờ cúng như trước nữa. Nhưng sau đó Chúa đã mở lòng cho tôi hiểu rằng tôi đã thuộc về Chúa, tôi là con cái của Đức Chúa Trời, mà Đức Chúa Trời là Đấng Chủ Tể, vậy có ai lớn hơn Chúa đâu mà mình lại sợ? Lời Chúa phán rằng: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi!... Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta.... Thật, từ khi có ngày ta đã là Đức Chúa Trời, chẳng có ai có thể giải cứu khỏi tay ta. Ta làm ra, ai ngăn cấm ta được?” (Ê-sai 41:10; 43:1,13).
Đức Chúa Trời là Thần nên Ngài biết và nghe tất cả lời cầu nguyện của chúng ta. Kinh Thánh dạy: “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Chúa Cứu-thế Giê-xu” (Phi-líp 4:6-7). Cầu nguyện là tương giao với Đức Chúa Trời, giống như con nói chuyện, tâm tình với cha. Cầu nguyện giúp chúng ta tăng trưởng đức tin. Chúng ta không cần phải dùng những lời văn hoa bóng bẩy, đọc đi đọc lại những bài đã viết sẵn nhiều lần, chúng ta chỉ cần tấm lòng chân thành đến với Ngài. Chúa Giê-xu dạy: “Khi các ngươi cầu nguyện, đừng dùng những lời lặp vô ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm” (Ma-thi-ơ 6:7)

Chúa cũng không dạy chúng ta cầu nguyện qua sự trung gian của các thánh hay bất cứ ai. Đã là con, chúng ta được đến trực tiếp với Cha mình là Đức Chúa Trời để tâm sự. Kinh Thánh dạy, Đấng cầu thay cho chúng ta chính là Chúa Giê-xu và Chúa Thánh Linh: “Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Chúa Cứu-thế Giê-xu, tức là Đấng công bình” (I Giăng 2:1); “Chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta” (Rô-ma 8:26). Vì Chúa Giê-xu dạy: “Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi ta sẽ làm cho” (Giăng 14:14), nên mỗi lần cầu nguyện, chúng ta nói: “Nhân danh Đức Chúa Giê-xu.” Chúa cũng dạy những người đã tin Ngài phải loan báo Tin Lành cứu rỗi của Ngài cho những người khác. Tôi tin rằng khi bạn biết chắc mình được cứu, sẽ được vào Thiên đàng, thì bạn cũng sẽ muốn cho những người chung quanh bạn được như vậy. Chắc bạn không muốn chỉ có mình được ở Thiên đàng, còn họ bị ở hỏa ngục đâu nhỉ? Sau khi tin nhận Chúa, chúng ta đi nhà thờ, làm những việc thiện, nhưng chúng ta làm chỉ vì kính Chúa, yêu người, chứ không phải để được cứu, hay vì bị bắt buộc.
Khi một người tin nhận Chúa thật lòng, ngay lúc ấy được Chúa Thánh Linh đến ngự trong người đó. Lời Chúa bày tỏ: “Vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta” (Ga-la-ti 4:6). Bởi vậy, người này sẽ có sự sống của Chúa, sẽ có bình an, vui thỏa; và tùy theo mức độ vâng lời mà những mỹ đức trong người này càng ngày càng gia tăng. Như nhánh nho trước đó đã bị cắt lìa khỏi gốc, nay được tháp lại; trở nên tươi tốt, ra hoa, kết quả, ấy là nhờ nhựa sống của gốc truyền sang, chứ không do sự cố gắng của nhánh. Kinh Thánh dạy: “Nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết” (Gia-cơ 2:17). Câu này có ý rằng, nếu một người tự nhận mình tin Chúa, đi nhà thờ, nhưng cuộc sống không sinh ra những mỹ đức, thì đức tin này không phải là đức tin thật. Giống như nhánh nho chỉ thấy để đụng vào gốc, chứ không thật sự được ghép vào. Như vậy, ra hoa kết quả ấy là việc tự nhiên của nhánh nho đã thật sự được ghép trở lại gốc; chứ chẳng phải nhánh phải ra hoa, kết quả rồi mới xứng đáng được ghép trở lại. Hãy nhớ lời Chúa dạy: “Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa. Bởi hễ có sự tha thứ thì không cần dâng của lễ vì tội lỗi nữa.” (Hê-bơ-rơ 10:17-18).
Bạn thân mến! Cảm ơn bạn đã dành thì giờ đọc sách này. Những điều tôi trình bày trong sách này không phải là do sự hiểu biết của tôi, nhưng được ban cho bởi Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã dùng nó để thay đổi cuộc đời và quan niệm sống của tôi; giúp cho tôi kinh nghiệm được tình yêu thương tuyệt diệu của Ngài. Giờ đây, Ngài lại dùng tôi để tâm sự cùng bạn với cả tấm lòng chân thành của mình, hầu cho bạn được cứu rỗi. Trong danh của Chúa Cứu-thế Giê-xu, tôi cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng Thần-linh siêu việt duy nhất, đã tạo dựng và đang bảo quản muôn loài, vạn vật, ban phước lành trên bạn và toàn gia đình. Tôi mong chính bạn cũng cầu xin Ngài với tất cả tấm lòng chân thành của mình. Chắc chắn Ngài sẽ soi sáng cho bạn trên con đường đức tin. Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng tạo sinh bạn, ban cho bạn các vật thực để sống thì chỉ có Ngài mới cứu bạn được. Hãy quay trở về với Chúa, bạn sẽ kinh nghiệm được tình yêu thương tuyệt diệu của Ngài. Về với Chúa tức là trở về nguồn cội của con người, về với Cha Thiên Thượng của chúng ta, chứ không phải theo một tôn giáo đâu bạn ạ!

Mến chào bạn trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
Mục sư Nguyễn Thỉ

Chia sẽ lên

0 nhận xét:

Cảm ơn bạn đã nhận xét. Nguyện Chúa ban phước cho bạn.

Những Bài Viết Liên Quan

CNTTLS...
About-Donate-Contact-Sitemap
Copyright © 2017 TRỞ THÀNH NGUỒN PHƯỚC. Jesus Love You .
Proudly Powered by Quang Vo.
back to top