Tro Thanh Nguon Phuoc
Trở Thành Nguồn Phước. Lời Kinh Thánh: Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước. (Sáng thế ký 12:1-3)

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Sau Sự Chết Có Gì?

Posted at  10/16/2019 12:05:00 SA  |  in  Tìm Hiểu Niềm Tin

Kết quả hình ảnh cho Sau Sự Chết Có Gì?


Chồng của bà Sarah Winchester đã tích lũy được một gia tài kết xù nhờ sản xuất và bán súng trường. Sau khi chồng chết năm 1918, bà Sarah dời về sống ở San Jose, California. Trong lúc buồn chán, bà bắt đầu say sưa tham dự vào các hoạt động đồng bóng, ma thuật, tâm linh. Khi bà tìm cách liên lạc với vong linh của chồng mình, một người đồng bóng đã nói với bà, "Bao lâu bà tiếp tục xây cất ngôi nhà của mình thì bấy lâu bà chưa có chết." Bà Sarah tin lời người đồng bóng nầy. Bà mua một lâu đài 17 phòng đang xây cất dang dở và bắt đầu mở rộng thêm. Chương trình kiến trúc vẫn tiếp tục mãi cho đến khi bà chết năm bà được 85 tuổi. Công trình xây cất trên tốn kém đến 5 triệu đô-la, mà theo thời giá bấy giờ mỗi công nhân lãnh năm mươi cents mỗi ngày. Lâu đài mở rộng đến 150 phòng, 13 phòng tắm, 2,000 cửa chính, 47 lò sưởi và 10,000 cửa sổ. Lâu đài có những cầu thang không dẫn tới đâu cả và có những cửa mở để chỉ nhìn vào những vách tường. Khi công trình xây dựng chấm dứt lúc bà Sarah chết, người ta thấy còn có đủ vật liệu để tiếp tục xây cất đến 80 năm nữa! Ngày nay lâu đài Winchester được làm nơi thu hút du khách nhưng nó cũng làm chứng tích lặng thinh cho sự sợ chết đã cầm tù vô số con người. Dầu bà Sarah là một trường hợp cá biệt, bà vẫn là một trong số rất nhiều người đã xây dựng lên những hệ thống tín ngưỡng phức tạp để trốn tránh thực trạng không tránh khỏi của loài người. Cuối cùng ai cũng sẽ chết.
Trong vòng 100 năm nữa, ngoại trừ một số ít người sống lâu, còn tất cả những người đang sống hiện nay trên thế giới đều chết hết, không còn người nào. Đối với một số người, nói đến chết chỉ là chuyện xa vời, không ai muốn nhắc đến. Chuyện đó còn lâu mới tới, lo gì cho mệt! Có người nói chết là hết, bận tâm làm gì? Tử giã biệt luận mà! Nhưng trong thực tế đã có người như Vua Philip, thân phụ của Hoàng Đế A-lịch-sơn Đại Đế, đã quyết định nhắc đến sự chết mỗi ngày. Mỗi buổi sáng, ông truyền lịnh cho một đầy tớ đánh thức ông dậy với câu nói, "Philip, hãy nhớ rằng nhà ngươi sẽ chết."
Chúng ta không chỉ đối diện với sự chết của chính mình nhưng cũng của những người thân yêu của chúng ta nữa. Đây là vấn đề muôn thuở của loài người. Biết bao nhiêu người đã đặt câu hỏi: Sau sự chết còn có gì không? Chết rồi tôi sẽ đi đâu? Có thiên đàng và hoả ngục không? Đời sống tôi hôm nay có ảnh hưởng đến tương lai của tôi sau khi chết không?
Thái độ của chúng ta đối với sự chết sẽ quyết định lối sống của chúng ta. Nếu một người không tin có đời sau thì trong đời nầy người đó sẽ chỉ cần thoả mãn những nhu cầu thể xác và sống phớt tỉnh đối với nhu cầu tâm linh. Người đó cũng sẽ sống với rất ít mục đích sống. Sẽ không có hy vọng gì cho người đó bên giường chết. Ngược lại nếu một người tin có đời sau thì tư tưởng, tình cảm và thái độ của người đó sẽ biểu lộ cách khác hẳn. Người đó có nhiều mục đích sống, sống với nhiều ý nghĩa và luôn luôn có hy vọng cho người đó bên giường chết.
Nếu chết là hết thì hôm nay tôi có quyền hưởng thụ, chơi bời, sống thoả mãn tối đa mọi nhu cầu thể xác, không cần biết đời sau có gì. Nhưng nếu có thể có đời sau thì tôi phải sống cẩn trọng hơn. Hôm nay tôi phải tìm hiểu và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc hành trình của tôi sau cái chết.
Tuy nhiên, làm sao để biết chắc sau sự chết có gì? Có ai sống lại từ cõi chết để kể lại cho tôi biết sau sự chết thì việc gì xảy ra không? Xưa nay, đối diện với câu hỏi nầy, chúng ta có hai câu giải đáp. Một giải đáp đến từ sự suy tư triết lý tôn giáo với chủ trương của loài người. Một giải đáp đến từ sự mặc khải của Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Chúng ta có quyền chọn lựa giữa hai câu giải đáp nầy.
Thưa các nhà thông thái đời nầy: Xin hỏi "Sau Sự Chết Có Gì?"
Thông thường theo giải đáp của loài người, người ta có ba tín ngưỡng sau đây về việc gì sẽ xảy ra sau sự chết.
·            Sau khi chết, chúng ta không còn hiện hữu nữa. Chết là hết. Không có đời sau nào cả. Chỉ có đời nầy mà thôi. Đây là chủ trương của người vô thần hoặc những người vô tôn giáo.
Nếu không có đời sau thì loài người chẳng khác nào loài vật như điểu thú côn trùng, chết rồi thôi. Nếu không có đời sau thì hãy ăn, hãy uống, hãy vui chơi cho vội vàng vì mai đây chết rồi không còn cơ hội để hưởng thụ nữa. Thực tế con người không sống cho hiện tại mà cũng sống cho tương lai nữa. Dù nghèo hèn kém thiếu hay sang trọng quyền quí đến đâu, con người vẫn luôn hướng về những gì vĩnh cửu, vĩ đại, cao cả. Chúng ta từng thấy những kim tự tháp của người Ai Cập, đã được xây dựng to lớn mấy ngàn năm trước Chúa cũng như những lăng tẩm của các vì vua chúa, những ngôi mộ kiên cố, đẹp đẽ đủ kiểu của mọi dân tộc khắp nơi trên thế giới. Tất cả đều thể hiện niềm tin về sự thực hữu của đời sau.
Chúng ta cũng trân trọng và ngã mũ trước một người quá cố. Chúng ta nói ông bà cha mẹ của tôi qua đời chứ không nói con mèo con chó con trâu con gà con vịt của tôi qua đời. Chúng ta thường tin vong linh ông bà cha mẹ chúng ta vẫn còn đó. Có nhiều người Việt, người Hoa đang thờ cúng vong linh của ông bà. Tất cả những hành động của loài người chứng tỏ họ không tin chết là hết.
Sứ đồ Phao-lô đã nói với những người tin Chúa, tin có đời sau, "Nếu chúng ta chỉ có hy vọng trong Đấng Christ ở đời nầy mà thôi, thì trong tất cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết" (I Cô-rinh-tô 15:19).
·            Sau khi chết, tất cả chúng ta sẽ lên thiên đàng. Một số người tin rằng bất kể một người tin Chúa hay không tin; có vâng phục mạng lịnh của Chúa hay không hết thảy đều sẽ lên thiên đàng.
Đây là chủ trương của những nhà Thần học Tân phái, tin rằng Chúa yêu thương và rốt cuộc sẽ cho mọi người vào thiên đàng. Điều mĩa mai ở đây là chủ trương nầy không cho phép ai vào hỏa ngục cả, kể cả những người đại ác như Hitler, những tên cướp của giết người, những người vô luân, những người chỉ muốn sống ở hỏa ngục chứ không thích thiên đàng...
Chủ trương nầy mâu thuẩn với Kinh Thánh và trái với ý thức công bình của chúng ta. Lời Chúa bày tỏ rằng Đức Chúa Trời muốn tất cả mọi người được sự Cứu rỗi và Ngài đã ban Con Một của Ngài để Cứu rỗi thế gian. Nhưng chúng ta phải lấy đức tin tiếp nhận tình yêu của Đức Chúa Trời và bày tỏ đức tin đó qua sự vâng phục. Kinh Thánh nói rõ: "Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó" (Giăng 3:36).
·            Sau khi chết, chúng ta sẽ trở lại, nghĩa là sẽ luân hồi chuyển kiếp hoặc đầu thai thành người khác.
Đây là triết lý tôn giáo của nhiều nước á Đông. Người Ấn Giáo và Phật Giáo nghĩ rằng đời sống hiện tại chỉ là một trong nhiều đời sống của chu kỳ sinh ra, chết và tái sanh. Theo luật Karma (Nghiệp Báo) của Ấn Giáo, mỗi hành động đều có hậu quả.Những hậu quả nầy gắn liền với người làm ra những hành động đó. Một người trở thành sâu bọ hay thành một thầy tế lễ tùy thuộc vào cách người đó cư xử trên thế gian nầy. Quá trình tái sanh là nhằm để tẩy sạch tội lỗi và làm thoả mãn sự công bình của vũ trụ. Khi một người cuối cùng trở nên đủ tốt, người đó đạt được phước hạnh vĩnh cửu khi người đó hoà nhập vào với linh vũ trụ. Người Phật Giáo cũng tin luật Nghiệp Báo nhưng quyết tâm sống một đời sống kỹ luật cao để loại bỏ hết mọi ham muốn và để mong đạt được trạng thái hiện hữu mà họ gọi là Niết Bàn (Nirvana). Đó là nơi giải thoát không còn sinh tử luân hồi.
Nếu những nổ lực của những người tin thuyết luân hồi là đúng thì thế giới lẽ ra phải có đời sống đạo đức càng ngày càng khá hơn trước mới phải, trái lại điều nầy đã không xảy ra. Nếu con người tu được để thoát ra khỏi vòng luân hồi thì thế giới nầy sẽ giảm bớt số người đi thật nhiều nhờ đã được giải thoát.Trái lại điều nầy đã không xảy ra, loài người càng ngày càng sinh sôi nẩy nở và tội ác con người càng ngày càng nhiều hơn và tinh vi ác độc hơn.
Có người hỏi, "Nếu có kiếp trước thì tại sao tôi không còn nhớ gì về kiếp trước?" Tất cả mọi người không ai nhớ đến kiếp trước của mình. Tại sao? Tại vì không có kiếp trước làm sao nhớ!
Một Mục sư Tin Lành đã thuyết phục một người tin thuyết luân hồi, "Nếu có nhiều kiếp để tu cho tốt hơn, tại sao anh không thử dành một kiếp nầy thôi để tin nhận Chúa? Nếu kiếp nầy tin Chúa mà anh không thấy khá hơn, tốt hơn, và được Cứu rỗi linh hồn, thì anh vẫn còn nhiều kiếp nữa để tu?"
Chúng ta thử suy nghĩ hậu quả của những người tin và không tin thuyết luân hồi sẽ như thế nào? Nếu tôi tin rằng sẽ còn có nhiều cơ hội nữa trong nhiều đời nữa để tôi tu sửa thì trong đời nầy tôi sẽ sống ra sao? Hoặc nếu tôi tin rằng tôi chỉ có một đời nầy để sống cho tốt, tôi phải tu sửa trong đời nầy mà thôi, tôi phải ăn năn làm lại cuộc đời vì không có cơ hội nào khác nữa trong đời sau, số phận vĩnh cửu của tôi tùy thuộc vào cuộc sống của tôi trong đời nầy, thì trong đời nầy tôi sẽ sống ra sao?
Niềm tin vào thuyết luân hồi chỉ là hy vọng hão huyền của loài người vào nỗ lực tự tu sửa, tự Cứu rỗi của một số người. Trong thực tế không ai biết chắc mình phải tu sửa thế nào mới thoát được vòng luân hồi. Không biết có ai nhờ tu mà thoát được vòng luân hồi chưa? Ai có quyền điều khiển vòng luân hồi? Ai quyết định cho tôi trở thành người hay thành thú vật? Ai phán xét để quyết định cho tôi đủ tốt để thoát được vòng luân hồi? Nếu thuyết luân hồi không đúng, không có thật thì những cố gắng tự Cứu của những người theo thuyết nầy sẽ ra hư không, vô ích. Họ sẽ đi đâu?
Kinh Thánh không hề đề cập đến hay dạy đến chuyện luân hồi, chuyển kiếp. Kinh Thánh đề cao địa vị con người khác hẳn muôn loài vạn vật, con người mang hình ảnh Đức Chúa Trời. Không có chuyện con vật thành con người hay con người trở thành con vật bao giờ. Chính thuyết luân hồi phủ nhận một Đức Chúa Trời thực hữu công bình và ân điển đang tể trị thế gian. Thuyết luân hồi chủ trương con người phải tự Cứu và không cần ai Cứu cả. Thuyết luân hồi phủ nhận mọi việc Chúa Giê-xu đã làm cho nhân loại.
Mục sư Charles Spurgeon đã ví sánh như sau: "Một người nên thử vượt Đại Tây Dương bằng chiếc thuyền giấy tốt hơn là cố đến thiên đàng bằng những việc làm lành."
Dĩ nhiên câu nói nầy không phủ nhận giá trị của việc làm lành, nó chỉ khẳng định rằng không ai có thể đến thiên đàng được nhờ việc tu sửa hay làm lành riêng tư của mình. Muốn lên thiên đàng chúng ta phải vâng theo điều kiện của Đức Chúa Trời trên thiên đàng.

Thưa Đức Chúa Trời: Xin hỏi "Sau Sự Chết Có Gì?"
Giải đáp của loài người không làm cho ai thỏa mãn bởi vì tất cả chỉ là võ đoán, mơ hồ, không chắc chắn. Vậy chúng ta hãy ngước lên trông chờ sự mạc khải đến từ Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh khẳng định rằng sau khi chết, chúng ta sẽ được Chúa phán xét và sẽ đi đến một trong hai nơi hoàn toàn khác nhau, đó là thiên đàng hay là hỏa ngục. Đây là giải đáp của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép: "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét" (Hê-bơ-rơ 9:27). Sẽ có một ngày Chúa xét xử công bình. Người ác bị phạt, người lành được thưởng. Chúa Giê-xu dạy rõ trong Bài Giảng Trên Núi của Ngài. "Nếu mắt bên phải gây cho các con phạm tội, cứ móc quăng đi, vì thà chột mắt còn hơn cả thân thể bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải gây cho các con phạm tội, cứ cắt bỏ đi, vì thà cụt tay còn hơn cả thân thể bị sa vào hỏa ngục" (Ma-thi-ơ 5:29-30).
Kinh Thánh chép: "Hiện nay chẳng còn có sự định tội nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giê-xu" (Rô-ma 8:1). Những người tin Chúa không còn sợ bị phán xét nữa. Chúa chỉ phán xét để ban thưởng cho người tin Chúa chứ không phải để hình phạt họ nữa. Mọi việc cần thiết để khai mở con đường dẫn đến thiên đàng thì Chúa Giê-xu đã thực hiện xong rồi. Ngài đã chết thế tội chúng ta và Ngài đã từ kẻ chết sống lại. Ngài là Đấng duy nhất chúng ta tin cậy bước theo khi chuẩn bị cuộc hành trình hướng về đời sau.
Có một nơi gọi là Thiên Đàng. Theo sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu, có một chỗ được gọi là thiên đàng vinh hiển, đẹp đẽ và phước hạnh. Đó là chỗ giống như vườn địa đàng ê-đen được khôi phục. Tại đó chúng ta sẽ nhận lãnh một thân thể mới (1Cô 15:35-44). Chúng ta sẽ tiếp tục làm những cá nhân độc đáo và có thể nhận biết nhau. Thân thể sống lại của chúng ta là thân thể thiêng liêng. Đó là một thân thể vinh hiển (1 Giăng 3:1-3). Đó cũng là thân thể bất tử, không bao giờ chết nữa để thích hợp với thiên đàng.
Ở đó sẽ không có buồn bả, khóc lóc, đau đớn, chết chóc nữa (Khải Huyền 21:4). Ở đó không có điều ác, không có ruả sả nữa (Khải Huyền 21:27; 22:3). Ở thiên đàng chúng ta sẽ phục vụ Đức Chúa Trời, sẽ đồng trị với Đấng Christ cho đến đời đời (Khải Huyền 22:3, 5). Ở đó chúng ta sẽ biết mọi sự mà ngày nay chúng ta mong muốn biết, chúng ta sẽ được thoả mãn mọi khát vọng vĩnh cửu của tâm hồn. Sứ đồ Giăng đã viết: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy. Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch" (1 Giăng 3:2,3).
Có ai thấy được thiên đàng? Có ba người: Phao-lô (2 Cô-rinh-tô 12:2-4); Giăng (Khải Huyền 4-22); Chúa Giê-xu (Giăng 14:1-6).
Làm sao để chắc đến thiên đàng? Hãy tin cậy Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất đưa ta đến thiên đàng.
Chúa Giê-xu đã phán hứa với những môn đồ của Ngài: "Lòng các người chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời cũng hãy tin ta nữa. Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; nếu không có vậy thì ta đã nói trước cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó. Các ngươi biết ta đi đâu và biết đường đi nữa. Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa, chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu; làm sao biết đường được? Vậy Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha" (Giăng 14:1-6).
Có một nơi gọi là Hỏa Ngục. Cũng theo sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu, có một nơi gọi là hỏa ngục. Chúa Giê-xu nói về hỏa ngục nhiều hơn thiên đàng. Ngài cảnh cáo để loài người tránh xa hỏa ngục và mau mau hướng đến thiên đàng. Ngài nói đến con đường khoảng khoát dẫn đến hỏa ngục, kẻ vào đó cũng nhiều.
Tại sao Chúa Tốt Lành và Yêu Thương lại đày người ta xuống hoả ngục? Đó là do sự ghê gớm của tội lỗi. Đó là do bản tính thánh khiết và công chính của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không đày ai xuống địa ngục. Bản tính tội lỗi và ý chí tự do của một tội nhân dẫn người đó xuống hỏa ngục. Hỏa ngục là nơi dành cho Ma quỉ, không phải dành cho loài người. Người nào không ăn năn tội quay vể nhờ Chúa Cứu, người đó tự nhiên đã chọn con đường xa cách Chúa và hậu quả là hư mất.

Hoả ngục được mô tả như thế nào?
·            Chúa Giê-xu mô tả: Đó là nơi lửa cháy (Ma-thi-ơ 5:22), nơi thân xác đau đớn (Ma-thi-ơ 5:29,30); nơi phân cách hoàn toàn với Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 7:23); nơi tối tăm, khóc lóc và nghiến răng (Ma-thi-ơ 8:12).
·            Các sứ đồ mô tả: Nơi lửa cháy (Gia-cơ 3:6, Giu-đe 6,7), nơi khói đau khổ tỏa lên đời đời (Khải huyền 14:11); hồ lửa là sự chết thứ hai (Khải Huyền 20:14, 15).
Có hai sự lựa chọn: Bước vào thang máy, bạn muốn đi xuống hay muốn đi lên? Bạn có quyền chọn lựa. Hãy sáng suốt chọn lựa khi còn có cơ hội. Đừng để người khác chọn lựa thay bạn. Mỗi người chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Không chọn thiên đàng là đương nhiên bạn đang chọn hoả ngục. Hãy quyết định hôm nay. Mong bạn chọn đúng con đường hẹp của Chúa Cứu Thế Giê-xu để bạn được lên thiên đàng.

Chia sẽ lên

0 nhận xét:

Cảm ơn bạn đã nhận xét. Nguyện Chúa ban phước cho bạn.

Những Bài Viết Liên Quan

CNTTLS...
About-Donate-Contact-Sitemap
Copyright © 2017 TRỞ THÀNH NGUỒN PHƯỚC. Jesus Love You .
Proudly Powered by Quang Vo.
back to top