Posted at 10/16/2019 03:20:00 CH | in
Bài Giảng

Sáng thế ký
1:3-5: “3Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng;
thì có sự sáng. 4Đức Chúa Trời thấy sáng là tốt lành, bèn phân sáng ra cùng
tối. 5Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy, có buổi chiều
và buổi mai; ấy là ngày thứ nhất”.
Bố
Cục
B. Ngày thứ
nhứt: Dựng nên sự sáng, 1:3-5
1 Lời của Đức
Chúa Trời dựng nên sự sáng (câu 3)
2 Đức Chúa Trời
thấy sự sáng tạo của Ngài là "tốt lành" — làm tròn chức năng của nó
(câu 4)
3 Đức Chúa Trời
đặt tên cho sự sáng là Ngày và sự tối tăm là Đêm (câu 5)
SÁNG
THẾ KÝ: PHẦN I
SỰ DỰNG NÊN CÁC TỪNG TRỜI VÀ ĐẤT, 1:1-2:3
B.
Ngày thứ nhứt: Dựng nên sự sáng, 1:3-5
(1:3-5) Phần
giới thiệu: hãy ghi nhớ chặng đường dựng nên địa cầu. Nó được treo
trong khoảng không, chưa có hình thể, chưa phát triển và chưa hoàn tất. Bề mặt
của cả địa cầu bị che phủ với "nước sôi sụt, sủi bọt và
nguyên sinh" (H.C. Leupold. Genesis, Vol.1, p.47); và một
lớp sương dày đặc, phủ trên mặt nước. Đất cũng bị bao phủ bởi một tấm mền tối
tăm đen kịt. Phác họa bối cảnh: thật là kỳ quái. Đây là hình ảnh của địa cầu
nguyên sinh, một địa cầu chưa phát triển và hình thành trọn vẹn, một địa cầu có
lớp sương dày đặc, kỳ dị phủ trên làn nước đang sôi sụt, gầm rống và nguyên
sinh — mọi sự bị trùm phủ dưới bóng tối tăm đen kịt.
Giờ đây Đức Chúa Trời đã sẵn sàng vận hành sang chặng đường kế tiếp của sự sáng
tạo. Ngài sẵn sàng mở ra sự việc được biết rõ là sáu ngày
sáng tạo, là thời gian Ngài có cần để dựng nên vũ trụ. (Xem Phần
Giới Thiệu Bảy Ngày Sáng Tạo, Nghiên Cứu #9 — Sáng
thế ký 1:1-2:3). Đây là "Ngày Thứ Nhứt: Dựng Nên Sự
Sáng".
1. Lời của Đức
Chúa Trời dựng nên sự sáng (câu 3).
2. Đức Chúa Trời
thấy sự sáng tạo của Ngài là "tốt lành" — làm tròn
chức năng của nó (câu 4).
3. Đức Chúa Trời
đặt tên cho sự sáng là Ngày và sự tối tăm là Đêm (câu 5).
1. (1:3) Sự sáng
— Sự Sáng Tạo — Lời của Đức Chúa Trời: Lời của Đức Chúa Trời đã dựng
nên sự sáng. Cụm từ "phải có" là một từ
ngữ trong tiếng Hybálai (hayah). Đây là một từ ngữ mạnh mẽ, bắt
buộc, năng động. Đức Chúa Trời truyền "phải có sự
sáng", thì có sự sáng. Sự sáng không phải là đời đời; nó không luôn
luôn hiện hữu. Sự sáng đã bước vào hiện thực giống như bao thứ khác trong vũ
trụ. Đức Chúa Trời đã dựng nên sự sáng.
Giờ đây, sự sáng là gì? Sự sáng là một năng lực phát ra ánh sáng tỏa ra từ một
thiên thể. Trong trường hợp địa cầu, ánh sáng chiếu ra từ thiên thể mặt trời.
Khoa học cho chúng ta biết rằng có hàng tỉ tỉ mặt trời hay các ngôi sao (một
ngôi sao là một mặt trời) được rãi khắp vũ trụ, hàng tỉ tỉ mặt trời
chiếu tỏa ra ánh sáng. Khoa học cũng cho chúng ta biết rằng các thiên thể trên
trời, mặt trời hay các ngôi sao, đã được dựng nên và hình thành rồi lịm tắt
luôn luôn. Được rãi ra khắp vũ trụ — khắp khoảng không gian kia — có hàng tỉ tỉ
mặt trời trong các chặng đường khác nhau cho việc ra đời, lớn lên và lịm tắt.
Các chặng đường nầy được sắp theo hàng dọc...
+ từ chặng đường thứ nhứt nơi các chất khí bắt đầu hình thành và tạo ra hơi
nóng cực kỳ,
+ trải qua sự hình thành một khối cứng hay thiên thể bốc cháy như núi lửa,
+ trải qua việc bốc cháy như núi lửa và lịm tắt của mặt trời.
Giờ đây, hãy lần ngược lại Sáng thế ký 1:1: "Ban
đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất". Đức Chúa Trời đã dựng
nên các từng trời, các ngôi sao hay các mặt trời, thuộc về vũ trụ rồi ở Sáng thế ký 1:1.
Vậy thì, Sáng thế ký 1:3 có
ý nói gì khi câu Kinh thánh nầy nói rằng: "Đức
Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng"? Câu
nầy có thể nói tới một trong bốn việc.
1. "Phải có sự sáng": câu nầy có ý nói rằng
Đức Chúa Trời đã dựng nên sự sáng trong vũ trụ suốt cõi vũ trụ. Có lẽ vũ trụ đã
ở trong chặng đường chưa hoàn tất cũng giống như địa cầu vậy. Đức Chúa Trời
chưa hình thành hay hoàn tất các mặt trời trong không gian. Các thiên thể đã
được dựng nên giống như địa cầu vậy, trong chặng đường phát triển phức tạp. Tất
cả các thiên thể đều ở trong chặng đường thuộc thể khí, nhưng giờ đây Đức Chúa
Trời đã sẵn sàng để dựng nên sự sáng. Vì vậy, Ngài đã hoàn
tất một số — chỉ một số thôi — các mặt trời, khiến cho các yếu
tố thuộc thể khí (nguyên tử, protons, neutrons, electrons, hay bất cứ
yếu tố cơ bản nhất hình thành các ngôi sao) hình thành khối cứng rắn,
thành hình thể trọn vẹn của chúng.
Nói đơn giản, khi Đức Chúa Trời phán: "Phải có sự
sáng", Ngài đã hoàn tất việc hình thành một số mặt trời. Suốt cõi vũ
trụ, hết mặt trời nầy đến mặt trời khác bắt đầu cung ứng ánh sáng, hơi nóng và
vẻ đẹp của chúng. Đức Chúa Trời phán: "Phải có sự sáng: thì
có sự sáng" (Sáng thế ký 1:3).
2. "Phải có sự sáng": câu nầy
có thể nói rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên trời và đất bằng những gì chúng ta
gọi là luật thiên nhiên hay luật tự
nhiên. Có lẽ Đức Chúa Trời đã dựng nên nguyên tử, protons, neutrons,
electrons, các chất khí, hay hóa chất — bất cứ thứ hạt chi nhỏ nhất hay khối lượng
và năng lượng. Có lẽ Đức Chúa Trời khi ấy đưa luật thiên nhiên vào hiện thực để
cai quản các thiên thể. Điều nầy có ý nói rằng các ngôi sao và những mặt trời
đã khởi sự ở chặng thể khí và rồi phát triển thành thể rắn giống như chúng hiện
có hôm nay trong không gian. Khi Đức Chúa Trời phán: "Phải
có sự sáng", Ngài đã đưa vào chuyển động luật thiên nhiên vật chất và năng
lượng và phát triển các mặt trời cùng những ngôi sao sẽ cung cấp ánh sáng, vật
chất và năng lượng sẽ tiếp tục để phát triển các mặt trời cùng những ngôi sao
xuyên suốt các thế đại. Đầy là những gì chắc chắn đang xảy ra hôm nay, vì khoa
học cho chúng ta biết một việc rất ngạc nhiên: các thể khí, các thứ hạt, những
phân tử trôi nổi trong không gian tác động qua lại và kết lại với nhau. Chúng
kết lại với nhau với năng lực của một khối lớn đang cháy với nhiệt độ thật cao
đang được dựng nên. Nhơn đó các ngôi sao được tạo ra và hình thành suốt cõi vũ
trụ. Tất nhiên, các luật lệ tạo ra hiện tượng nầy xảy ra đều do Đức Chúa Trời
dựng nên và đưa ra chuyển động.
3. "Phải có sự sáng": câu nầy có thể nói rằng
Đức Chúa Trời đã dựng nên sự sáng độc lập hoàn toàn đối với các thiên thể (nghĩa
là, các mặt trời hay những ngôi sao). Khi Đức Chúa Trời dựng nên trời và
đất, có lẽ Ngài chỉ treo chúng trong khoảng không (Sáng thế ký 1:1).
Có lẽ các luật lệ cai quản chức năng của chúng chưa được dựng nên hay chưa được
đưa vào chuyển động. Những thiên thể chỉ đang treo ở đó trong khoảng không,
song chúng chưa thực thi chức năng của chúng, chưa xoay tròn, chưa được đưa vào
chuyển động, chưa bay trong không gian. Nhưng khi Đức Chúa Trời phán: "Phải
có sự sáng", năng lượng dậy lên chiếu ra ánh sáng đã được cung ứng cho một
số ngôi sao hay mặt trời. Các luật lệ vật lý cai quản chúng đã được đưa vào
chuyển động, và những mặt trời của vũ trụ đã khởi sự hoạt động. Chúng bắt đầu
thực thi chức năng mà vì đó chúng được dựng nên: chúng cung ứng ánh sáng.
4. "Phải có sự sáng": câu nầy có thể nói rằng
các đám mây và sương mù dày đặc (mù sương) che phủ đất bắt đầu
bốc hơi rồi mỏng dần đi. Chúng bay hơi rồi mỏng dần đủ để cho những tia sáng
đầu tiên chiếu vào địa cầu. Nếu đây là điều đã xảy ra, thì phải tốn hơn ba ngày
trước khi các đám mây và sương mù hoàn toàn tan đi và mặt trời, mặt trăng, cùng
các ngôi sao có thể nhìn thấy rõ ràng từ địa cầu. (Xem bố cục — Sáng thế ký 1:14-19
và chú thích — Sáng thế ký
1:14-19 để thảo luận).
Chú ý: đây là thế mạnh mà những ai theo Gap Theory đang giữ lấy. (Xem Nghiên
Cứu #4 — Sáng
thế ký 1:2 để thảo luận). Thuyết Lỗ Hỗng nói rằng sự sa ngã của
Satan đã tàn phá đến nỗi Đức Chúa Trời phải xét đoán nghiên ngặt Satan cùng
quyền quản trị của hắn. Một phần quyền quản trị của Satan bao gồm cả địa cầu.
Vì thế, Sáng thế ký 1:2 là
phần mô tả thể nào Đức Chúa Trời phải nghiêm ngặt phán xét địa cầu. Một phần
của sự phán xét bao gồm tấm mền tăm tối bao lấy địa cầu. Đức Chúa Trời đã
truyền cho mặt trời giữ lại ánh sáng của nó đối với địa cầu. Bằng cách nào?
Bằng cách che phủ đất với lớp sương mù và mây mù dày đặc. Ý tưởng nầy được rút
ra từ các phân đoạn Kinh thánh sau đây:
“Ngài sáng lập đất trên các nền nó; Đất sẽ không bị rúng động
đến đời đời. Chúa lấy vực sâu bao phủ đất như bằng cái áo, Nước thì cao hơn các
núi. Chúa hăm dọa, nước bèn giựt lại; Nghe tiếng sấm Chúa, nước lật đật chạy
trốn. Núi lố lên, trũng sụp sâu xuống chốn mà Chúa đã định cho nó. Chúa định
chân cho nước để nước không hề qua khỏi, Không còn trở lại ngập đất nữa” (Thi
thiên 104:5-9). (Lưu ý: Phân đoạn Kinh thánh nầy có thể và
gần như là đề cập tới Trận Đại Hồng Thủy trong thời của Nôê).
“Nầy, Đức Giê-hô-va làm cho đất trống không và hoang vu; Ngài
lật đổ mặt đất và làm tan lạc dân cư” (Thi thiên 24:1).
“Vì Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các từng trời, tức là Đức Chúa Trời đã
tạo thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền vững, chẳng phải dựng nên là
trống không, bèn đã làm nên để dân ở, phán như vầy: Ta là Đức Giê-hô-va, không
có Đấng nào khác! (Thi thiên 45:18).
“Tôi xem đất: nầy, là vô hình và trống không; xem các từng trời: thì không có
sự sáng. Tôi xem các núi, thấy đều rúng động; mọi gò đều lung lay. Tôi xem:
chẳng còn một người, hết thảy chim trời đều trốn tránh. Tôi xem thấy ruộng tốt
đã trở nên đồng vắng, hết thảy các thành đều bị hủy phá trước mặt Đức
Giê-hô-va, bởi cơn nóng giận của Ngài” (Giêrêmi 4:23-26).
“Chúng nó có ý quên lững đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng
trời và trái đất, đất ra từ Nước và làm nên ở giữa nước, thế gian bấy giờ cũng
bị hủy phá như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt. Nhưng trời đất thời bây giờ
cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày
phán xét và hủy phá kẻ ác” (II Phierơ 3:5-7).
Tư
tưởng 1: Ánh sáng là thứ thanh sạch và sáng láng nhất mà con người được
biết. Ánh sáng thường được sử dụng phác họa một cảnh tượng thật vinh hiển và
huy hoàng. Ánh sáng thường làm cho người ta phải say mê và thêm cảm hứng.
“Sự sáng con mắt khiến lòng vui vẻ; Và một tin lành làm cho
xương cốt được béo tốt” (Châm ngôn 15:30).
“Ánh sáng thật là êm dịu; con mắt thấy mặt trời lấy làm vui thích” (Truyền đạo
11:7).
Tư tưởng 2: Kinh thánh công bố rằng Đức Chúa Trời là sự sáng. Sự sáng là
hiện thân của Đức Chúa Trời, sự sáng ấy ở trong Ngài, trong sự hiện hữu của
Ngài và trong bổn tánh của Ngài. Đức Chúa Trời ngự trong sự chói sáng và vinh
hiển của ánh sáng. Bất cứ Ngài ở đâu, nét huy hoàng và sự vinh hiển của ánh
sáng chiếu tỏa ra sự hiện diện của Ngài. Thực vậy, chẳng có một nhu cần nào về
mặt trời khi sự vinh quang của Đức Chúa Trời hiện diện. Vinh quang của sự hiện
diện Ngài chỉ tỏa ra thứ ánh sáng chói chang nhất có thể tưởng tượng được, thật
sáng chói và vinh hiển đến nỗi nó sẽ nung đốt xác thịt loài người. Bổn tánh sự
sáng của Đức Chúa Trời là ánh sáng của sự thánh khiết Ngài. Đức Chúa Trời là
thánh, đầy dẫy ánh sáng và nét huy hoàng của sự thánh
khiết. (Xem chú thích 5 – I Giăng 1:5 để thảo luận).
1) Đức Chúa Trời là sự sáng vô hạn và đời đời
“Nầy là lời truyền giảng mà chúng tôi đã nghe nơi Ngài và truyền
lại cho anh em rằng Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm
đâu” (I Giăng 1:5).
2) Đức Chúa Trời là Cha của sự sáng
“mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi
cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng
chẳng có bóng của sự biến cải nào” (Giacơ 1:17).
3) Đức Chúa Trời ngự trong sự sáng không thể đến gần được
“một mình Ngài có sự không hề chết, ở nơi sự sáng không thể đến
gần được, chẳng người nào từng thấy Ngài và cũng không thấy được, danh vọng,
quyền năng thuộc về Ngài đời đời! A-men” (I Timôthê 6:16).
4) Người tin Chúa sẽ sống đời đời với Đức Chúa Trời trong thành
thánh của Ngài. Thành thánh của Ngài sẽ là thủ phủ của trời mới đất mới, và hết
thảy chúng ta sẽ sống ở đó trong sự rực rỡ của ánh sáng và vinh hiển của Đức
Chúa Trời đời đời cho đến đời đời.
“Thành cũng không cần mặt trời, mặt trăng để soi sáng; vì vinh
hiển của Đức Chúa Trời chói lói cho, và Chiên Con là ngọn đèn của thành. Các
dân sẽ đi giữa sự sáng thành đó và các vua trên đất sẽ đem vinh hiển mình vào
đó” (Khải huyền 21:23-24).
“và chúng sẽ không cần đến ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức
Chúa Trời sẽ soi sáng cho; và chúng sẽ trị vì đời đời” (Khải huyền 22:5).
Tư tưởng 3: Đức Chúa Trời không muốn con người cứ ở trong tối tăm, mà ở
trong sự sáng. Sự sống không tồn tại trong chỗ tối tăm – điều đó là bất khả
thi. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã dựng nên sự sáng hầu cho con người có thể sống và
ăn ở trên đất.
Điều nầy cũng rất thực trong lãnh vực thuộc linh của cuộc sống. Đức Chúa Trời
không muốn con người sống trong chỗ tăm tối thuộc linh, mà sống trong sự sáng
thuộc linh. Đức Chúa Trời không muốn con người ăn ở trong tối tăm, vấp ngã, lần
mò, dò dẫm, và túm níu, lạ lùng … về
+ chỗ mà người xuất thân
+ tại sao người có mặt ở đây trên đất
+ người sẽ đi đâu
Đức Chúa Trời không muốn con người ở trong chỗ tăm tối thuộc linh. Đức Chúa
Trời biết rõ con người không thể tồn tại – con người không thể sống đời đời –
nếu con người ăn ở trong chỗ tối tăm thuộc linh.
Vì lẽ đó, Đức Chúa Trời đã ban cho con người Sự Sáng
của Sự Sống để con người có thể sinh sống và bước đi, hầu cho con người có
thể nhìn thấy và nhận biệt lẽ thật về thế gian và con người. Đức Chúa Trời đã
ban cho con người Sự Sáng của Sự Sống để
con người có thể nhìn thấy và nhận biết mình ra từ đâu, tại sao mình có mặt ở
đây trên đất, và mình sẽ đi về đâu.
Sự Sáng của Sự Sống là gì vậy? Đó là Đức Chúa
Jêsus Christ, Con của Đức Chúa Trời. (Xem Nghiên Cứu #1 – Giăng 8:12).
“Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người”
(Giăng 1:4).
“Vả, sự đoán xét đó là như vầy: sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối
tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa” (Giăng 3:19).
“Đức Chúa Jêsus lại cất tiếng phán cùng chúng rằng: Ta là sự sáng của thế gian;
người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống”
(Giăng 8:12).
“Đang khi ta còn ở thế gian, ta là sự sáng của thế gian” (Giăng 9:5).
“Đức Chúa Jêsus bèn đáp rằng: Sự sáng còn ở giữa các ngươi ít lâu; hãy đi trong
khi các ngươi còn có sự sáng, e rằng sự tối tăm đến thình lình cùng các ngươi
chăng; kẻ đi trong nơi tối tăm thì chẳng biết mình đi đâu. Các ngươi đang có sự
sáng, hãy tin sự sáng, hầu cho trở nên con cái của sự sáng. Đức Chúa Jêsus phán
như vậy, rồi đi, và ẩn mình cách xa họ” (Giăng 12:35-36).
“Ta là sự sáng đã đến thế gian, để ai tin ta, chẳng ở nơi tối tăm nữa” (Giăng
12:46).
“Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc
lấy áo giáp sáng láng” (Rôma 13:12).
“Vì Đức Chúa Trời, là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm! đã
làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh
hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ” (II Côrinhtô 4:6).
“Cho nên có chép rằng: Ngươi đang ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám
người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi” (Êphêsô 5:14).
2. (1:4) Sự sáng
— Sự sáng tạo: Đức Chúa Trời đã nhìn thấy sự sáng tạo của Ngài là tốt
lành — sự sáng đã chu toàn chức năng của nó. Hình ảnh cho thấy
rằng Đức Chúa Trời đã nhìn xem sự sáng và đã thấy rằng sự sáng là tốt lành. Từ
ngữ tốt lành đề cập tới giá trị, mục đích, và
chức năng của một việc gì đó. Vì vậy, Đức Chúa Trời đã nhìn vào rồi thấy rõ sự
sáng là tốt lành: sự sáng rất có giá trị, rất có giá trị; sự
sáng đã chu toàn mục đích và chức năng của nó. Đâu là mục đích và chức năng của
sự sáng? Hãy lưu ý câu nói: "Đức Chúa Trời phân sự sáng
ra cùng sự tối tăm". Nếu sự sáng không tồn tại — nếu sự sáng
không bị phân ra đối với sự tối tăm — địa cầu sẽ ở trong sự tối tăm hoàn toàn.
+ Nếu địa cầu không có mặt trời nào hết, đất sẽ chìm trong bóng tối tăm hoàn
toàn.
+ Nếu địa cầu vẫn còn bị lớp sương mù dày đặc kia che phủ (mây và sương mù),
đất sẽ bị phủ trong sự tối tăm hoàn toàn.
Sự sáng ít nhất có năm chức năng hay mục đích cơ bản.
+ Sáng phân cùng tối để cung ứng một số ánh sáng cho địa cầu và vũ trụ.
+ Sự sáng làm cho muôn vật lớn lên. Sự sống không thể tồn tại nếu không có sự
sáng. Con người, thú vật, cây xanh, và loài tảo — tất cả đều nương vào ánh sáng
để sống ở trên đất. Cây xanh và tảo chuyển ánh sáng thành năng lượng, rồi chúng
nhờ đó mà lớn lên (tiến trình được biết là sự quang hợp). Không
có ánh sáng sẽ chẳng có một thực vật nào ở trên đất để nuôi sống con người và
động vật. Sự sáng là một yếu tố tuyệt đối cơ bản cho cuộc sống và sự lớn lên.
+ Ánh sáng cung ứng hơi nóng và sự ấm áp.
+ Ánh sáng cung ứng màu sắc và vẻ đẹp cho muôn vật.
+ Ánh sáng giúp cho con người và động vật nhìn thấy; ánh sáng bày tỏ ra mọi sự
— cả vũ trụ và cả đất — hầu cho con người và sinh vật có thể nhìn thấy và gánh
vác chức năng của mình trong một thế giới đa dạng và đẹp đẽ.
Khi "Đức Chúa Trời thấy sự sáng, [Ngài thấy] điều đó là tốt
lành". Sự sáng chu toàn chức năng của nó. Sự sáng thật chính xác y
như Đức Chúa Trời đã hoạch định; nó được thiết kế và thích ứng trọn vẹn với mục
đích của nó; nó hữu ích và thích nghi; nó đang hoạt động y như Đức Chúa Trời
mong muốn.
Tư
tưởng 1: Việc dựng nên sự sáng là một sự ban cho kỳ diệu nhất đến từ
Đức Chúa Trời.
+ Sự sáng cung ứng hơi nóng và sự ấm áp cho con người.
+ Sự sáng cung ứng màu sắc và vẻ đẹp cho vũ trụ cho con người.
+ Sự sáng khiến cho muốn vật lớn lên để con người có thực phẩm mà ăn.
+ Sự sáng giúp cho con người nhìn thấy vẻ đẹp của địa cầu và vũ trụ.
Tư
tưởng 2. Việc dựng nên sự sáng giúp cho con người nhìn thấy hai điều.
1) Sự sáng giúp cho con người nhìn thấy vẻ đẹp sự sáng tạo của Đức Chúa Trời.
Nó giúp cho con người nhìn thấy công việc lớn lao của Đức Chúa Trời trong sự
sáng tạo, sự khôn sáng và quyền phép cả thể của Đức Chúa Trời (xem chú thích 3
— Sáng thế ký 1:1;
cũng xem chú thích "Phần giới thiệu Bảy Ngày Sáng Tạo" — Sáng thế ký
1:1-2:3).
2) Sự sáng giúp cho con người nhìn thấy thể nào công việc của Ngài được tỏ ra.
Nó giúp cho con người chu toàn mục đích của mình ở trên đất.
Nhưng hãy chú ý: chỉ nhìn thấy và làm việc không có nghĩa là một người sẽ chu
toàn mục đích của mình ở trên đất. Một người phải sống có trách nhiệm. Người
phải bước theo Đức Chúa Jêsus Christ, chính mình Con của Đức Chúa Trời, để gặt
hái mục đích, ý nghĩa, và tầm quan trọng trong cuộc sống. Người phải sử dụng
các năng khiếu của mình — mọi khả năng và tài khéo — y như Đấng Christ đã căn
dặn người. Khi ấy và chỉ khi ấy con người mới có thể chu toàn mục đích và làm
tròn chức năng của mình ở trên đất.
Đức Chúa Trời đã ban cho con người sự sống và đã sai Con Ngài vào trong thế
gian để chỉ cho con người phải sống và sinh hoạt như thế nào!?! Vì thế, con
người phải làm theo những gì Đức Chúa Trời phán, hoặc giả con người sẽ không
bao giờ có ý nghĩa và mục đích — không phải ý nghĩa và mục đích đời đời. Con
người sẽ không có khả năng sống và sinh hoạt với Đức Chúa Trời — không phải đời
đời, không vĩnh cửu — trừ phi con người sống y như Đấng Christ phán dạy.
Tư
tưởng 3. Đức Chúa Trời đã dựng nên sự sáng, đã phân sáng ra cùng tối,
và Ngài đã dựng nên sự sáng ấy cho con người. Đức Chúa Trời sẽ làm y những việc
ấy cho con người về mặt thuộc linh. Đức Chúa Trời sẽ ban cho con người sự sáng
ở giữa sự tối tăm...
+ ánh sáng trật tự ở giữa mọi hỗn độn tối tăm.
+ ánh sáng mục đích ở giữa tình trạng trống vắng tối tăm.
+ ánh sáng tương giao ở giữa tình trạng cô độc tối tăm.
+ ánh sáng tri thức ở giữa tình trạng dốt nát tối tăm.
Đức Chúa Trời sẽ dựng nên sự sáng trong tấm lòng tối tăm, hỗn độn của con người
hầu cho con người có thể nhìn biết Đức Chúa Trời —
hầu cho con người có thể cảm nhận và ý thức được sự vinh hiển của Đức Chúa Trời
trong chính linh hồn mình.
“Vì Đức Chúa Trời, là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự
tối tăm! đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông
biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ” (II
Côrinhtô 4:6).
“mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên
người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn” (Côlôse 3:10).
Tư tưởng 4. Sự sáng và sự tối tăm không bao giờ hiệp chung với nhau hay
làm hòa với nhau, không hề trong thiên nhiên. Cũng thực một lẽ ấy về mặt thuộc
linh.
"Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với
gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được
chăng?" (II Côrinhtô 6:14. Xem
Nghiên Cứu #2 — Giăng
8:12).
Tư
tưởng 5. Đức Chúa Trời đã dựng nên sự sáng. “Sáng” là
một trong những từ quan trọng trong Kinh thánh.
1) Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu (I Giăng:1:5).
2) Đức Chúa Jêsus Christ là Sự Sáng của thế gian — là hiện thân của sự sáng
thiên thượng (Giăng 8:12; Giăng 9:5).
3) Sự sáng láng thông biết về Đức Chúa Trời được thấy nơi gương mặt của Đức
Chúa Jêsus Christ (II Côrinhtô 4:6).
4) Đức Chúa Jêsus Christ "soi sáng mọi người" nào
đến trong thế gian (Giăng 1:9).
5) Những người tin Chúa được truyền cho phải trở nên "con cái của sự
sáng" qua niềm tin nơi Sự Sáng, là chính mình Đức Chúa Jêsus Christ (Giăng 12:36).
6) Những người tin Chúa được chuyển từ chỗ thống trị của sự tối tăm sang Nước
của Đấng Christ, là cơ nghiệp của sự sáng (Côlôse 1:13).
7) Trước khi họ đến với Đấng Christ, những người tin Chúa không những đang ở
trong tối tăm mà còn là hiện thân của sự tối tăm nữa. Nhưng khi họ đến với Đấng
Christ, những người tin Chúa được đặt để trong Sự Sáng và trở thành hiện thân
của chính sự sáng (Êphêsô 5:8).
8) Những người tin Chúa là sự sáng của thế gian (Mathiơ 5:14-16).
9) Những người tin Chúa cần phải thắp ánh sáng của họ nơi ngọn đèn — để sự sáng
của họ được thấy rõ (Mathiơ 5:15).
10) Những kẻ làm ác đang tránh né sự sáng (Giăng 3:20…).
11) Việc dựng nên sự sáng là một hình ảnh nói tới sự trục xuất bóng tối tăm
thuộc linh (Sáng thế ký 1:2…).
3. (1:5) Sự sáng
— Sự tối tăm — Sự sáng tạo: Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là Ngày, và
sự tối tăm là Đêm. Hãy chú ý hai sự kiện.
1. Đức Chúa Trời, không phải con người, đã đặt tên cho sự sáng và sự tối tăm.
Điều nầy rất quan trọng. Sự việc cho thấy rằng Đức Chúa Trời là Chúa Tể của cả
ngày và đêm, chớ không phải con người. Sự sáng và sự tối tăm, cả hai đều là một
phần trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Cả hai đều tốt lành; cả hai đều có
mục đích và chức năng của chúng trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời.
Tư
tưởng 1. Điều nầy có ý nói rằng con người mắc nợ thân thể và sự sống
của mình đối với Đức Chúa Trời trong cả ban ngày lẫn ban đêm. Con người cần
phải phục vụ Đức Chúa Trời cả ban ngày lẫn ban đêm. Con người không nên lạm
dụng ban ngày hay ban đêm...
+ do sống lười biếng, nhếch nhác, hay tự mãn.
+ do làm hại thân thể, lý trí và tâm linh mình.
+ do chễnh mãng, dốt nát, hay chối bỏ Đức Chúa Trời.
+ do tiệc tùng, say sưa, hay lạm dụng ma túy.
+ do tự phụ, ngạo mạn, hay kiêu căng.
+ do say sưa, quá lậm, hay sống đồi bại.
+ do tỏ ra thành kiến, thiên vị, hay không công bằng.
Tư
tưởng 2. Đức Chúa Trời là Chúa Tể của cả ngày lẫn đêm. Vì vậy, chẳng
cần phải e sợ ban ngày hay ban đêm. Đức Chúa Trời có khả năng chăm sóc chúng ta
trong chỗ sáng láng và trong chỗ tối tăm. Những người tin Chúa có thể sống từng
phút trong từng ngày và từng phút trong từng đêm nhận biết rằng Đức Chúa Trời
đang quan phòng họ. Chúng ta có thể nhận biết rằng chúng ta đang sống trong sự
gìn giữ an toàn của Đức Chúa Trời. Chúng ta luôn luôn ở dưới con mắt quan phòng
của Đức Chúa Trời — ngày và đêm.
"Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và
ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. Tóc
trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí
trọng hơn nhiều con chim sẻ" (Mathiơ 10:29-31).
"ấy lại là cớ mà ta chịu khổ. Nhưng ta chẳng hề hổ thẹn vì biết ta đã tin
Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày
đó" (II Timôthê 1:12).
"Chúa sẽ giải thoát ta khỏi mọi điều ác và cứu vớt ta vào trong nước trên
trời của Ngài. Nguyền xin sự vinh hiển về nơi Ngài muôn đời không cùng!
A-men" (II Timôthê 4:18).
"Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh
Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền
cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế" (Mathiơ 28:19-20).
"Đức Giê-hô-va là sức mạnh và là cái khiên của tôi; Lòng tôi đã nhờ cậy
nơi Ngài, và tôi được cứu tiếp; Vì vậy, lòng tôi rất mừng rỡ, Tôi sẽ lấy bài ca
mà ngợi khen Ngài" (Thi thiên 28:7).
"Còn tôi là khốn cùng và thiếu thốn; Dầu vậy, Chúa tưởng đến tôi. Chúa là
sự tiếp trợ tôi, và là Đấng giải cứu tôi. Đức Chúa Trời tôi ôi! xin chớ trễ
hoãn" (Thi thiên 40:17).
"Đấng gìn giữ Y-sơ-ra-ên Không hề nhắp mắt, cũng không buồn ngủ" (Thi thiên 121:4).
"Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi!
Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà
nâng đỡ ngươi" (Êsai 41:10).
"Cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng-ẵm các
ngươi. Ta đã làm ra, thì sẽ còn gánh vác các ngươi nữa. Ta sẽ bồng ẵm và giải
cứu các ngươi" (Êsai 46:4).
2. Đức Chúa Trời đã cung ứng một chức năng rất đặc biệt cho cả
ngày và đêm. Địa cầu xoay tròn và quay quanh quỹ đạo của nó trong không gian.
Phải cần 24 giờ đồng hồ cho từng phần của địa cầu khi xoay quanh và đối diện
với mặt trời. Khi một phần của địa cầu xoay quanh và đối diện với mặt trời,
phần đó được gọi là ban ngày. Khi phần kia của địa cầu cách xa mặt trời, phần
đó được gọi là ban đêm.
Mục đích là đây: mỗi phần (ngày và đêm) chạy theo bước chơn
của phần kia, sự tiếp diễn của thời gian. Thời gian được phân biệt giữa ngày và
đêm.
+ Ban ngày cung ứng ánh sáng để làm việc và để lo chu toàn chức năng của con
người ở trên đất.
+ Ban đêm cung ứng bóng tối cho phần còn lại và làm mới lại sức lực.
Tư
tưởng 1. Về mặt thuộc linh, có một sứ điệp cho chúng ta trong sự dựng
nên ngày và đêm.
1) Ban ngày cho con người thấy có một khởi đầu mới, một ngày mới, một bắt đầu
mới, một phát sinh mới.
+ Sự bắt đầu một ngày mới chỉ thẳng vào sự bắt đầu một đời mới. Chúng ta có thể
khởi sự cuộc sống thật nhiều lần: chúng ta có thể được sanh
lại và được làm mới lại về mặt thuộc linh. Chúng ta có thể trở thành
một tạo vật mới, một người mới trong
Đấng Christ.
"Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta
nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức
Chúa Trời. Ni-cô-đem thưa rằng: Người đã già thì sanh lại làm sao được? Có thể
nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật,
quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà
sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời" (Giăng 3:3-5).
"Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự
cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới" (II Côrinhtô 5:17).
"và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa
Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật" (Êphêsô 4:24).
"mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng
nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn" (Côlôse 3:10).
"anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống
chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời" (I Phierơ 1:23).
+ Sự bắt đầu một ngày mới, tỉnh giấc ngủ, chỉ thẳng vào sự sống
lại của thân thể.
"Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, giờ đến, và đã
đến rồi, khi những kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Đức Chúa Trời, và những kẻ
nghe sẽ được sống" (Giăng 5:25).
"Đây là ý muốn của Cha ta, phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống
đời đời; còn ta, ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt" (Giăng 6:40).
"Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì
sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi" (Giăng 11:25).
"Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ
mọi người đều sẽ sống lại" (I Côrinhtô 15:22).
"vì biết rằng Đấng đã khiến Đức Chúa Jêsus sống lại, cũng sẽ làm cho chúng
tôi sống lại với Đức Chúa Jêsus, và làm cho chúng tôi ứng hầu với anh em trước
mặt Ngài" (II Côrinhtô 4:14).
"Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức
Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết
trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở
lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi
không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn" (I Têsalônica
4:16-17).
"Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe
tiếng Ngài và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ
thì sống lại để bị xét đoán" (Giăng 5:28-29).
"và tôi có sự trông cậy nầy nơi Đức Chúa Trời, như chính họ cũng có vậy,
tức là sẽ có sự sống lại của người công bình và không công bình" (Công Vụ các Sứ
Đồ 24:15).
"Nhưng Đức Chúa Trời sẽ chuộc linh hồn tôi khỏi quyền âm phủ, Vì Ngài sẽ
tiếp rước tôi" (Thi thiên 49:15).
"Chúa là Đấng đã cho chúng tôi thấy vô số gian truân đắng cay, Sẽ làm cho
chúng tôi được sống lại, Và đem chúng tôi lên khỏi vực sâu của đất" (Thi thiên 71:20).
"Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, kẻ thì để được sự sống đời đời,
kẻ thì để chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời" (Đaniên 12:2).
"Ta sẽ cứu chúng nó khỏi quyền lực của âm phủ, và chuộc chúng nó ra khỏi
sự chết. Hỡi sự chết, nào tai vạ mầy ở đâu? Hỡi âm phủ, nào sự hủy hoại mầy ở
đâu?” (Ôsê 13:14).
2) Ban đêm cho thấy có một thời gian để ngưng và kết thúc sinh
hoạt của một người và nằm nghỉ rồi đánh giá đời sống hàng ngày của họ. Sự việc
nầy chỉ thẳng vào cứu cánh của cuộc sống khi có khoảng thời gian ngừng nghỉ của
cuộc sống, một sự nghỉ ngơi của cơ thể con người, một thời khắc khi con người
không thể lao động nữa, một thời khắc khi con người sẽ bị xét đoán vì cách thức
người đã sống ở trên đất.
"Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của
Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng
ta" (Rôma 6:23).
"Vả, chăm về xác thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh Linh sanh ra sự
sống và bình an" (Rôma 8:6).
"Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của
quyền phép Ngài" (II Têsalônica
1:9).
"Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán
xét" (Hêbơrơ 9:27).
"Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết cuối cùng tôi, Và số các ngày tôi là
thể nào; Xin cho tôi biết mình mỏng mảnh là bao" (Thi thiên 39:4).
Tư
tưởng 2. Việc dựng nên ngày và đêm dạy dỗ hai bài học đầy thách thức:
1) Chúng ta cần phải làm việc cho Đức Chúa Trời lúc ban ngày.
"Trong khi còn ban ngày, ta phải làm trọn những việc của
Đấng đã sai ta đến; tối lại, thì không ai làm việc được" (Giăng 9:4).
"Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm
công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa
chẳng phải là vô ích đâu" (I Côrinhtô 15:58).
"Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm
cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần
thưởng. Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa" (Côlôse 3:23-24. Xem bố
cục — Êphêsô 6:5-9 và
chú thích — Êphêsô 6:5-9).
"Nếu các ngươi sẵn lòng vâng lời, sẽ ăn được sản vật tốt nhất của
đất" (Êsai 1:19).
"Ngươi hãy hầu việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi; Ngài sẽ ban ơn cho vật
ăn uống của ngươi và tiêu trừ các bịnh hoạn giữa vòng ngươi" (Xuất Êdíptô ký
23:25).
2) Chúng ta cần phải nghỉ ngơi trong Đức Chúa Trời lúc ban đêm. Chúng ta cần
phải suy gẫm Lời của Đức Chúa Trời ngày và đêm.
"Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, Và suy
gẫm luật pháp ấy ngày và đêm" (Thi thiên 1:2).
"Cầu Chúa làm cho tôi hiểu biết con đường giềng mối Chúa, Thì tôi sẽ suy
gẫm các công việc lạ lùng của Chúa" (Thi thiên 119:97).
"Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân
cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong
nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy" (Phục truyền luật
lệ ký 6:6-7).
0 nhận xét:
Cảm ơn bạn đã nhận xét. Nguyện Chúa ban phước cho bạn.