Tro Thanh Nguon Phuoc
Trở Thành Nguồn Phước. Lời Kinh Thánh: Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước. (Sáng thế ký 12:1-3)

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

CUỘC CHIẾN CHƯA TỪNG XẢY RA

Posted at  4/17/2013 10:53:00 CH  |  in  Khoa Học và Niềm Tin

NGƯỜI PHỎNG VẤN: Nếu chúng ta bước đến gặp một người lạ trên đường, và thử hỏi người đó khoa học và tôn giáo có mối liên quan như thế nào, thì có nhiều khả năng người đó sẽ trả lời bằng những từ như “mâu thuẫn” hay thậm chí “tranh chiến.”   


GIÁO SƯ:  Một bài báo trên một tạp chí khoa học đã tiết lộ những sự thật ít được biết đến. Mời chúng ta cùng thảo luận về “Cuộc Chiến Chưa Từng Xảy Ra.”


GIÁO SƯ:   Một người Anh sống vào thế kỷ mười chín, Thomas H. Huxley [HUX-lee], đã đề cao các học thuyết của Darwin nhiệt thành đến mức được gọi là “chú chó bull của Darwin.” Nhưng gần đây một bài báo tiết lộ: “Huxley đã không chứng kiến một cuộc chiến giữa đức tin và khoa học; ông ta cố khiêu khích để gây ra cuộc chiến đó.”


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Có phải ý giáo sư là Huxley đã không nhìn thấy một cuộc chiến, mà là cố gây ra nó?


GIÁO SƯ:  Đúng vậy. Lời phát biểu đó xuất hiện trong một bài báo trên tạp chí của Hiệp hội Khoa học Hoa Kỳ vào tháng Chín năm 2008. Giáo sư Đại học Wheaton, Timothy Larsen [LAR-sun] gọi bài báo của mình là: “Cuộc Chiến Kết Thúc, Nếu Bạn Muốn Vậy: Vượt Trên Mâu Thuẫn Giữa Đức Tin và Khoa Học.” Ông cũng viết một bài phân tích khá dài có tựa đề Khủng Hoảng Nghi Vấn: Đức Tin Thành Thật tại Anh quốc vào Thế Kỷ Mười Chín, được xuất bản bởi nhà xuất bản danh tiếng Oxford University Press.


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Có phải tiến sĩ Larsen ngụ ý Huxley không tìm kiếm sự thật, mà chỉ cố đưa ra những ý kiến cá nhân?

GIÁO SƯ:  Đúng vậy. Huxley đã không tuân theo nguyên tắc “đi theo sự thật dù nó có dẫn đến đâu.”

Nhưng nhiều học giả cùng thời với Huxley và Darwin đã tuân theo nguyên tắc đó. Nhiều người trong số họ đã nhận ra rằng chưa bao giờ thực sự có một “cuộc chiến” giữa khoa học và Cơ đốc giáo. 

Chẳng hạn như, George Sexton [SEX-tun] là nhà khoa học vô thần người Anh duy nhất vào thế kỷ mười chín đạt được học vị tiến sĩ. Ông là một thành viên của Viện Nhân Loại Học Hoàng Gia, Hiệp Hội Động Vật Học, và Hiệp Hội Địa Lý Hoàng Gia. Khi Sexton nghiên cứu sâu hơn, ông đã từ bỏ thuyết vô thần và trở nên một môn đồ của Chúa Giê-xu Christ.


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Còn ai thay đổi như vậy nữa không?


GIÁO SƯ:  Tiến sĩ Larsen tính toán có ít nhất 20% trong số các nhà lãnh đạo hàng đầu của các tổ chức theo chủ nghĩa thế tục và thuyết vô thần cuối cùng đã đến với đức tin Cơ đốc và tiếp tục bảo vệ giáo lý Cơ đốc cách công khai. Đó là những học giả đã đọc và hiểu mọi khía cạnh của vấn đề. Sau khi trở thành Cơ đốc nhân, những nhà cựu lãnh đạo vô thần này đã dành phần đời còn lại của mình để diễn thuyết, tranh luận, và viết về sự hòa hợp giữa đức tin và khoa học.

Bằng nghị lực của nhà trí thức, họ đã giải quyết vấn đề mình gây ra khi còn hoài nghi. Họ đã viết vô số sách và các bài báo trình bày chi tiết vì sao họ lại bị thuyết phục rằng những tư tưởng khoa học mới nhất thực sự thống nhất với niềm tin vào Kinh Thánh.


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Điều đó thật khác với những gì tôi đã nghe và đọc được ở nhiều chỗ khác.


GIÁO SƯ:   Quan điểm cho rằng tiến bộ khoa học bác bỏ niềm tin tôn giáo là quan điểm từng chiếm đa số tại nhiều quốc gia trong suốt ít nhất năm mươi năm. Tiến sĩ Larsen nói: “Tuy được xem là quan điểm chính, nhưng đây lại không phải là sự thật…”


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Vậy tại sao có nhiều học giả viết về các nhà khoa học từng bị cho là “đánh mất đức tin?” 


GIÁO SƯ:  Larsen đáp lại: “Một lối giải thích hợp lý là câu chuyện về sự cải đạo này khớp với một khuôn mẫu khác: cuộc chiến giữa đức tin và khoa học.” Công chúng tại nhiều quốc gia đã được bảo rằng: “Vào thế kỷ mười chín, nhân loại đã học biết đủ để nhận ra ‘đức tin không đáng tin cậy.’ ….Vào thế kỷ hai mươi nhận thức này càng lan rộng. Vì vậy những người thông minh, dạn dĩ, và tiếp tục tìm tòi đã không thể tránh khỏi đánh mất đức tin.”


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Tiến sĩ Larsen trả lời như thế nào?


GIÁO SƯ:   Các nghiên cứu của ông khám phá ra rằng đây đơn giản chỉ là một bức tranh sai trật về mối liên hệ giữa đức tin và khoa học trong thế kỷ mười chín. Những tuyên bố mang tính tri thức về Cơ đốc giáo rất thuyết phục đối với rất nhiều người thông minh, chăm chỉ tìm tòi nhất – thậm chí đối với cả những người có thành kiến rõ rệt về Kinh Thánh.

Theo lời Larsen: “Cái gọi là ‘cuộc chiến’ giữa đức tin và khoa học, đặc biệt là giữa…giáo lý Cơ đốc và khoa học, đã được tạo ra trong suốt nửa cuối thế kỷ mười chín.” Nó được tạo ra để tuyên truyền là chính.


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Để thuyết phục mọi người đi theo thuyết vô thần.


GIÁO SƯ:  Đúng vậy.


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Ai đã tạo ra những quan điểm này?  


GIÁO SƯ:  Sau Huxley, người có vai trò trọng yếu nhất là giáo sư hóa học William Draper [DRAY-pur] và người sáng lập Đại học Cornell, Andrew Dickson White. Tiến sĩ Larsen viết: “Draper và White không chỉ đơn thuần mô tả một cuộc chiến đang diễn ra giữa thần học và khoa học, mà còn hơn thế họ ráng sức khiến mọi người tưởng rằng thực sự có một cuộc chiến như vậy.”


NGƯỜI PHỎNG VẤN:(NGẠC NHIÊN) Đó thật là một cáo buộc mạnh mẽ. Tiến sĩ Larsen chứng minh điều đó như thế nào?


GIÁO SƯ:   Ông viết: “Để làm được điều đó, họ liên tục đưa ra những tuyên bố giả dối rằng giáo hội đã cản trở những đột phá và tiến bộ khoa học khác nhau.” Chẳng hạn như, họ truyền bá thông tin sai trật rằng các Cơ đốc nhân cứ khăng khăng rằng trái đất là một mặt phẳng.


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Vấn đề “trái đất phẳng” được cho là nảy sinh khi Christopher Columbus [KRIS-tuh-fur koh-LUM-bus] lên kế hoạch “giương buồm về hướng Tây để đến phương Đông.” Hướng đi phổ biến từ Tây Ban Nha đến Ấn Độ là theo đường bộ về hướng đông. Columbus nghĩ nếu trái đất hình tròn, thì ông có thể đến được Ấn Độ bằng cách đi đường biển về hướng Tây.


GIÁO SƯ:   Theo những gì ông được biết, chỉ có một đại dương. Không ai biết rằng Tây Bán cầu tồn tại, và rằng sau này các nhà địa lý sẽ chứng minh được đại dương được chia thành Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, các đại dương và biển khác.

Một dị bản của truyền thuyết này tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo giáo hội đã ngăn cản chuyến đi của Columbus vì Columbus nghĩ trái đất hình tròn. Câu chuyên này được kể rộng rãi đến mức hầu hết các Cơ đốc nhân cũng tưởng đó là thật.


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Các nhà lãnh đạo giáo hội có phản đối ý kiến rằng Columbus có thể đến được Ấn Độ bằng cách đi về hướng Tây không?


GIÁO SƯ:  Họ chỉ phản đối một chi tiết kỹ thuật mà thôi. Larsen giải thích: “Sự phản biện của họ là trái đất lớn hơn so với Columbus tưởng rất nhiều lần và vì vậy những tính toán của ông về thời gian cho hành trình đến Ấn Độ là không chính xác.”


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Điều đó sẽ ảnh hưởng đến lượng thực phẩm và nước uống mà ông mang theo cho thủy thủ đoàn.


GIÁO SƯ:   Các nhà lãnh đạo giáo hội đã đúng về việc này – những tính toán về kích thước trái đất của họ chính xác hơn của Columbus.

Các nhà thần học Cơ đốc vẫn luôn công bố rằng trái đất hình tròn. Tất cả họ khi trao đổi với Columbus đều thống nhất rằng trái đất hình tròn.


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Có phải tiến sĩ Larsen là học giả duy nhất tin vào điều này không?


GIÁO SƯ:   Hoàn toàn không. Thậm chí một số người vô thần cũng thừa nhận điều này. Cố tiến sĩ Stephen Jay Gould [GOOLD] viết: “Sự bịa đặt trong thế kỷ mười chín về trái đất phẳng…được tạo ra để ủng hộ một sự chia cắt nguy hại và đầy nghi vấn khác… - cuộc chiến giả định giữa khoa học và tôn giáo.”


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Như vậy một người vô thần thừa nhận rằng những người vô thần khác đã “bịa đặt” rằng trái đất phẳng, để thuyết phục thêm nhiều người tin vào lời nói dối là khoa học đang “tranh chiến” với tôn giáo.


GIÁO SƯ:  Đúng vậy. Những lời của tiến sĩ Gould rất đáng được lặp lại: “Sự bịa đặt trong thế kỷ mười chín về trái đất phẳng …được tạo ra để ủng hộ một sự chia cắt nguy hại và đầy nghi vấn khác… - cuộc chiến giả định giữa khoa học và tôn giáo.”


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Nếu điều đó là không đúng, vậy tại sao người ta vẫn muốn đề cao nó?


GIÁO SƯ:  Tôi đã đề cập rằng nhà sinh học người Anh T. H. Huxley là nhân vật chính trong việc gây ấn tượng về một cuộc chiến giữa thần học và khoa học. Ông ta xem mình thật là một người vô thần, nhưng xã hội Anh thế kỷ mười chín không tán thành chủ nghĩa vô thần. Vì vậy ông đã khiến những ý kiến của mình dễ được chấp nhận hơn bằng cách chế ra từ “bất khả tri” và định nghĩa từ này là con người không biết Đức Chúa Trời có tồn tại hay không.

Chiến trận là hình ảnh ẩn dụ ưa thích của Huxley về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo. Thậm chí Huxley tự nhận mình là một “chiến tướng” trong cuộc chiến ảo tưởng này.


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Nghe có vẻ như vị “chiến tướng” này sử dụng những ngôn từ bóng bẩy nhiều màu sắc. 


GIÁO SƯ:   Thật ngạc nhiên, Larsen quan sát thấy cú tấn công ác ý nhất của Huxley lại không phải về phía những Cơ đốc nhân truyền thống, là những người vào thời điểm đó đang chống lại thuyết tiến hóa. Mà lại là về phía nhà sinh học St. George Jackson Mivart [JAK-sun mee-VAHR].   Mivart đã chọc giận Huxley bằng cách chấp nhận các tuyên bố khoa học, chứ không phủ nhận. Ông khẳng định rằng học thuyết của Darwin hoàn toàn phù hợp với những dạy dỗ quan trọng của đạo Cơ đốc từ trước đến giờ.


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Như vậy Huxley sẽ nổi giận vì Huxley vẫn cố thuyết phục công chúng rằng đức tin và tri thức khoa học tranh chiến với nhau.


GIÁO SƯ:  Đúng vậy. Ông nhấn mạnh rằng Mivart phải chọn là “một đứa con thật của giáo hội” hay “một người lính trung thành của khoa học”…


NGƯỜI PHỎNG VẤN: …Một ẩn dụ khác mang tính quân sự!  


GIÁO SƯ:   Cũng trong đoạn văn này tiến sĩ Larsen đã viết ra câu văn mà chúng ta trích dẫn ở đầu chương trình này: “Tóm lại, Huxley đã không chứng kiến một cuộc chiến giữa đức tin và khoa học; ông ta cố khiêu khích để gây ra cuộc chiến đó.”


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Vì sao Huxley muốn có cuộc chiến này? 


GIÁO SƯ:  Frank Turner, giáo sư lịch sử tại Đại học Yale, tin rằng việc tạo ra ý niệm về mâu thuẫn giữa thần học và khoa học chỉ là một phần trong chiến dịch tìm kiếm sự nhìn nhận nghề nghiệp của những nhà khoa học tương lai. Vào giữa thế kỷ mười chín, vẫn chưa có nghề đó. Charles Babbage, nhà toán học kiệt xuất đã phát minh ra máy tính có khả năng lập trình, nhận định vào năm 1851: “Tại Anh quốc khoa học không phải là một nghề nghiệp: những người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và khám phá khoa học thậm chí còn chưa được xem là một tầng lớp được công nhận trong xã hội. Chính bản thân ngôn ngữ của chúng ta cũng không có từ nào để mô tả công việc của họ.”


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Có phải ông ấy nói rằng thậm chí không có một từ nào cho “nhà khoa học?”


GIÁO SƯ:  Đúng vậy. Ngày nay từ “nhà khoa học” chỉ về một người có nghề nghiệp cao quý, được trả lương để làm những công việc quan trọng. Tại Anh vào thế kỷ mười chín chỉ có “những người của khoa học.” Larsen giải thích: “…cũng như những từ tương ứng khác, ‘người của văn chương,’ ngụ ý về sự theo đuổi mang tính sở thích của những người thuộc tầng lớp thượng lưu hơn là một nghề để kiếm sống.”


NGƯỜI PHỎNG VẤN: Nói cách khác, văn học và khoa học đều là những sở thích cho những người có khả năng về tài chính, chứ không phải nghề nghiệp nghiêm túc để được trả lương.


GIÁO SƯ:  Điều đó khiến Huxley thật thất vọng.


NGƯỜI PHỎNG VẤN:  Nhưng sao ông ấy lại nghĩ tạo ra một “cuộc chiến giữa khoa học và tôn giáo” có thể thay đổi hoàn cảnh công việc của mình?


GIÁO SƯ:   Chúng ta sẽ trả lời câu hỏi này trong chương trình tới – khi chúng ta tiếp tục thảo luận về “Cuộc Chiến Chưa Từng Xảy Ra.”

Chia sẽ lên

0 nhận xét:

Cảm ơn bạn đã nhận xét. Nguyện Chúa ban phước cho bạn.

Những Bài Viết Liên Quan

About-Donate-Contact-Sitemap
Copyright © 2017 TRỞ THÀNH NGUỒN PHƯỚC. Jesus Love You .
Proudly Powered by Quang Vo.
back to top